Chủ nhật, 01/12/2024, 08:17 [GMT+7]

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật phòng, chống ma túy năm 2021

Thứ năm, 01/06/2023 - 12:25'
Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, sau một năm triển khai thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, Lai Châu xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật phòng, chống ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sỹ Công an Lai Châu tích cực tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy tới các hộ dân 

Cán bộ, chiến sỹ Công an Lai Châu tích cực tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy tới các hộ dân

Tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy là nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Để tăng cường quản lý nhà nước về ma túy, giảm thiểu tác hại của tội phạm ma túy đối với xã hội, tại kỳ họp thứ 8, ngày 9/12/2000, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng chống ma túy, Luật có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2001 với những nội dung quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy và Luật đã được sửa đổi vào năm 2008. Nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; ngày 30/3/2021 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi, mang số 73/2021/QH14) và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2022. Luật có 8 chương, 55 điều, với nhiều sửa đổi, bổ sung điểm mới quan trọng; đặc biệt là Luật bổ sung một Chương mới về Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy đã khắc phục được khoảng trống trong công tác này, góp phần ngăn chặn, hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm “nguồn cầu” về ma túy... Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống ma túy thời gian tới, khắc phục những bất cập, khó khăn, sát với tình hình hiện nay.

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật và công tác phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, với nhiều lực lượng tham gia và hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về ma túy. Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (Đài PT-TH) mở và duy trì các chuyên mục “An ninh Lai Châu”, “Phổ biến kiến thức pháp luật”... Đài PT-TH tỉnh biên dịch sang 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Dao, Hà nhì); đặc biệt hệ thống truyền thanh cơ sở đã lựa chọn nội dung của Luật, các văn bản, chính sách mới về phòng, chống ma túy sau hơn 1 năm đã xây dựng được 350 tin, bài, 98 phóng sự tuyên truyền. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức 610 buổi thông tin lưu động, hàng nghìn băng zôn khẩu hiệu, tranh cổ động và 7 cuộc triển lãm ảnh với chủ đề về phòng, chống ma túy. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho 174 học viên tại Trung tâm cai nghiện bắt buộc. Để kịp thời cung cấp tài liệu và thống nhất nội dung tuyên truyền Sở Tư pháp đã phát hành 20 đầu sách (tài liệu Hỏi - Đáp) và trên 20.000 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung về phòng, chống ma túy; xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, trực tiếp tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho 500 lượt người. Lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt chức năng lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, đồng thời cũng tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống ma túy và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống ma túy trong cộng đồng dân cư. Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 45 buổi cho trên 2.800 lượt người. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy đến các tầng lớp nhân dân; đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền cho hàng chục nghìn đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về pháp luật phòng, chống ma túy.. toàn tỉnh đã vận động 1.006 khu dân cư, 85.612 hộ gia đình đăng ký phòng, chống ma túy; có 8 tổ chức công đoàn huyện, thành phố, 6 công đoàn ngành và trên 85% công đoàn cơ sở triển khai xây dựng chương trình phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy...

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cũng được đẩy mạnh gắn với công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Nhiều kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy được triển khai liên tục, sâu rộng. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tập trung triệt phá tội phạm và tệ nạn ma túy tại các khu vực, địa bàn trọng điểm. Qua một năm thực hiện Luật phòng, chống ma túy toàn tỉnh đã phát hiện bắt, tiếp nhận 546 vụ với 665 đối tượng, thu giữ hơn 84 kg hêrôin, 4 kg ma túy tổng hợp, 6 kg thuốc phiện. Tăng cường rà soát lập 204 hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tiếp tục triển khai chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt độ bao phủ 68% số người nghiện có hồ sơ quản lý.

Bằng các biện pháp đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau một năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trên địa bàn tỉnh hiện nay không có địa bàn, tụ điểm “nóng” về tội phạm ma túy, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, tỉnh có địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn hạn chế gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cũng như công tác phòng, chống ma túy. Tình trạng lén lút trồng cây thuốc phiện vẫn còn xảy ra một số nơi, nhất là trong các vùng rừng núi cao, vùng sâu. Tỉnh không có địa bàn, tụ điểm đặc biệt “nóng” về tội phạm ma túy, nhưng số lượng người nghiện cũng còn khá nhiều (hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 3.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện còn hạn chế. Lai Châu được dự báo vẫn là địa bàn trung chuyển của các đối tượng buôn bán trái phép ma túy...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trong thời gian tới cần: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình hành động số 35-CTr/TU, ngày 01/11/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả nghiêm trọng của các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; về tác hại của ma túy, tiến hành đồng bộ bằng nhiều hình thức, phát huy tốt vai trò của các lực lượng trong công tác tuyên truyền. Chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người dễ bị tổn thương bởi tội phạm và tệ nạn ma túy. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở mà nòng cốt là lực lượng Công an xã trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở, nhất là công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sau cai nghiện; cùng với tiếp tục tăng cường đấu tranh triệt xóa các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy...

Công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vào cuộc với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, cùng với các lực lượng chức năng từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển bền vững./.

Cập nhậpThứ sáu - 17/03/2023 08:37 1.357 0/Tác giả: Ngọc Dung/CHINHPHU.VN

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...