Chủ nhật, 01/12/2024, 08:06 [GMT+7]

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 26/05/2023 - 22:39'
BLC) - Ngày 26/5, Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà QH thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu, trong đó đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn  Đại biểu QH tỉnh Lai Châu tham gia thảo luận một số nội dung vào báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH). Cụ thể:

Kỳ họp này Uỷ ban TVQH đưa nội dung giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi thảo luận tại kỳ họp là rất phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Theo báo cáo giám sát, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH đã tiếp nhận, tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền ở trung ương xem xét giải quyết tổng số 2.593 kiến nghị và đã được giải quyết, trả lời cử tri 2.589 kiến nghị, đạt 99,8%, tỷ lệ xem xét, giải quyết và trả lời rất cao. Tuy vậy, còn 4 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời gồm Văn phòng Chính phủ 3 kiến nghị và Hội LHPN Việt Nam 1 kiến nghị, trong báo cáo chưa nêu lý do chưa giải quyết, trả lời.

Trong thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị cử tri được Ủy ban TVQH và Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngoài các quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ủy ban TVQH phối hợp với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh, Nghị quyết liên tịch số 525 năm 2012 quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp kiến nghị cử tri, hiện nay Ban Dân nguyện đang tham mưu sửa đổi; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 33 về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng cho việc tiếp nhận, trả lời, giải quyết và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận tại hội trường.

Về Báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, tôi cơ bản đồng tình, qua báo cáo cho thấy với số lượng kiến nghị cử tri rất nhiều, trong khoảng thời gian ngắn, hầu hết các kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, trả lời, nhiều kiến nghị được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, số lượng kiến nghị cử tri đang nghiên cứu, tiếp thu trong thời gian tới (phụ lục 3) số lượng còn rất nhiều (đến 338 kiến nghị), nhiều kiến nghị  chưa có lộ trình giải quyết do liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Về những vấn đề cụ thể, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về những kiến nghị mà cử tri và Nhân dân rất mong mỏi nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết, cụ thể như:

Cử tri trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 ban hành năm 2019 “về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố”. Vì hiện nay do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tốc độ đô thị hóa nhanh nhiều đơn vị hành chính cấp xã đông dân cư nhất là các tỉnh, thành phố, công việc được phân cấp cho chính quyền cơ sở nhiều nên việc quy định số lượng tối thiểu 19 biên chế, tối đa 23 biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính không còn phù hợp và đề nghị nâng mức phụ cấp, mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách. Hiện nay đang thực hiện khoán công việc với kinh phí thấp, không hiệu và đề nghị bổ sung chức danh công chức văn phòng Đảng ủy cấp xã. Những vấn đề này đã được Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản và lấy ý kiến các tỉnh thành phố nhưng đến nay đã nửa năm chưa được giải quyết. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm xem xét tháo gỡ cho cấp cơ sở.

Cử tri ngành Giáo dục mong mỏi, đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Kiến nghị này rất chính đáng và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận trả lời sớm xem xét trình Chính phủ điều chỉnh để động viên, giữ chân đội ngũ giáo viên, đề nghị sớm quan tâm giải quyết.

Theo biểu tổng hợp số 3, còn rất nhiều kiến nghị cử tri về lĩnh vực lao động, việc làm, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm giải quyết, tham mưu giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần được quan tâm xem xét giải quyết thấu đáo hơn, đề nghị Bộ sớm giải quyết trả lời cử tri.

Thứ hai, về hình thức, nội dung báo cáo giám sát:

Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban TVQH khá đầy đủ nội dung. Tuy nhiên, báo cáo này đang được xây dựng với hình thức “Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết”, chủ yếu đang liệt kê nội dung trả lời của các cơ quan có thẩm quyền, chưa phản ánh rõ nét việc đánh giá, nhận định qua hoạt động giám sát, như việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; xác minh vấn đề quan tâm hay tổ chức Đoàn giám sát kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết 525. Báo cáo cần đánh giá cụ thể bộ, ngành nào giải quyết tốt, chưa tốt kiến nghị cử tri, để làm tiêu chí, căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, địa phương theo quy định tại Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Để thuận lợi cho việc theo dõi của đại biểu, đề nghị bổ sung phần phụ lục nội dung văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

Theo Điều 31, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, quy định “Ủy ban TVQH chỉ đạo xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và dự thảo nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội”. Để có cơ sở cho tiếp tục giám sát việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, việc ban hành Nghị quyết về giám sát kiến nghị cử tri là cần thiết, đề nghị Ủy ban TVQH xem xét.

Theo Chương trình kỳ họp, phiên thảo luận báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri đã được phát sóng trên Truyền hình Quốc hội. Tuy nhiên, đây là nội dung rất nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm, do đó từ kỳ họp sau đề nghị được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình Quốc gia để cử tri theo dõi, giám sát và cũng là kênh thông tin đến cử tri về kết quả giải quyết, hạn chế việc kiến nghị nhiều lần.

Ngày 27/5, buổi sáng, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát năm 2024. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Duy Khoan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...