Thứ ba, 03/12/2024, 07:56 [GMT+7]

Độc đáo chợ chim Mường Khương

Thứ tư, 23/03/2011 - 14:41'
Một lần đi công tác Mường Khương, nghe nói chợ phiên nơi đây có nhiều điều thú vị nên đã lưu lại một ngày.

Rời những quầy thổ cẩm sặc sỡ, khu ẩm thực với vị thắng cố thơm nức níu chân, tôi bám theo một anh người Mông đang xách hai chiếc lồng đi vào lối nhỏ ven chợ.

Trao đổi giữa các chủ chim.

Thế giới riêng của người chơi chim

Con hẻm nhỏ này ngày thường vắng vẻ là thế mà từ sáng sớm chủ nhật đã chật ních người. Góc chợ độc đáo miền Tây Bắc này là thế giới riêng của những người đam mê chim, không hề phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, giàu nghèo.

Có những cụ già người Mông, người Nùng xách chim tận Cao Sơn, La Pán Tẩn, Lùng Khấu Nhin xuống, có những người tận Bản Mế, Sín Chải, Sín Chéng, Lùng Phình (Si Ma Cai) sang, thậm chí nhiều chủ chim tận Sín Mần (Hà Giang), các “đại gia” nuôi chim cảnh ở thành phố Lào Cai, thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác cũng có mặt. Họ bàn tán, trao đổi với nhau về cách chọn chim, chăm sóc chim để học hỏi lẫn nhau, tìm bạn tâm giao.

Anh Tuấn, quê tận Hà Nội đang chen giữa đám đông để treo lồng chim lên cành cây, nói: Mình lên Mường Khương mấy hôm rồi, “tậu” được chú mi này, mang đến chợ để giao lưu với anh em.

Mấy năm trước mình cũng lên đây, ngày ấy chim đánh được nhiều nên còn rẻ, chứ bây giờ hiếm lắm, chim mộc đã bốn năm trăm nghìn đồng, chim hay vài ba triệu là chuyện bình thường...

Chợ chim Mường Khương chủ yếu là họa mi. Trong nhiều loài chim ở vùng cao Tây Bắc thì họa mi là loại chim vừa có vóc dáng đẹp, vừa có giọng hót hay lại thiện chiến, nên được nhiều người ưa thích.

Nói chuyện với một cụ già người Mông lão luyện trong nghề nuôi chim ở Lùng Khấu Nhin, tôi được biết: Đối với chim nuôi hót, nên chọn con có họa dài, dáng thanh thoát, sắc lông vàng mượt, giọng hót trong trẻo, không bị đứt đoạn. Chú chim nào khi hót đứng cầu thật oai vệ, đuôi xòe hoặc cụp chặt vào cầu là chim tốt.

Với chim chọi, nên chọn chim hiếu chiến, có vóc dáng to khỏe, chân và mỏ to, tướng chim dữ dằn, gặp đối thủ nào cũng không sợ hãi mà dám rung cánh hót khiêu khích đối phương thì đánh được….

Gần trưa, nắng đã gay gắt mà chợ chim càng thêm đông đúc, đâu đâu cũng thấy lồng chim, tiếng chim hót trầm bổng, tiếng người nói chuyện xen lẫn nhau. Hễ có chú chim nào mới xách đến, người ta lại quây thành vòng tròn, hỏi giá cả, bình luận, xem xét tỉ mỉ từng li từng tí, rồi treo lên, nghe thử giọng hót…

Len trong dòng người chật ních ở chợ chim, tôi biết thêm về các hoạt động trao đổi hết sức thân thiện giữa các chủ chim. Chỉ cần hai bên đồng ý đổi, ghé sát lồng chim vào nhau, mở cửa dồn chim sang lồng, bắt tay là xong vì ai cũng hài lòng.

Muốn kết bạn thì rủ nhau vào hàng thắng cố, làm mấy chén rượu ngô thơm nồng cho đậm đà tình cảm. Chim mang về nếu ưng ý thì giữ lại nuôi, nếu không đến phiên chợ sau lại mang đi đổi cho người khác để lấy chú chim mình thích. 

Trao đổi cách làm lồng chim.

Bám chợ kiếm sống

Chợ chim Mường Khương vừa là sân chơi chung vừa là nơi kiếm sống của nhiều người. Ngồi bên chồng lồng chim được xếp rất đẹp mắt, anh Vàng Seo Chin giới thiệu với khách về sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra. Khi được hỏi đã làm lồng chim bao lâu rồi, anh Chin bảo mới được 4 năm. Chỉ tay sang phía một cụ già gần đó, anh nói: “sư phụ” tôi đã nửa cuộc đời làm lồng chim rồi đấy!

Ông Thào Sử Sủ (xã Tả Ngải Chồ) năm nay 74 tuổi, nhưng chủ nhật nào cũng có mặt ở chợ chim. Ông cho biết: Ngày trước cũng làm nhiều, nhưng chủ yếu cho bạn bè thôi, bây giờ già rồi, không lên nương được nữa thì ở nhà làm lồng chim mang đi chợ bán kiếm tiền mua gạo. Trung bình mỗi tuần, ông bán được 3 đến 4 cái lồng. Mỗi cái 120.000 đồng. Như thế cũng đủ ăn, không phải phiền con cháu.

Nhìn dáng vẻ trầm lặng, ít nói, khuôn mặt hằn những nếp nhăn của ông, tôi nghĩ về tình yêu lao động và bàn tay tài hoa của những nghệ nhân núi rừng Tây Bắc.

Cạnh khu vực bán lồng chim, Nguyễn Mạnh Quyết, học sinh lớp 7, nhà ở xóm chợ cũng bày ra trên mặt hòm đủ các loại: cám chim, cóng sứ, cóng nhựa, tay xách, áo lồng… phục vụ cho dân chơi chim. Mỗi tháng, trừ tiền vốn, em cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng để đưa cho bố mẹ mua sách vở. 

Chọn mua chim. 

Chợ chim Mường Khương kéo dài đến tận đầu giờ chiều mà vẫn còn sôi nổi hoạt động mua bán, trao đổi. Trên đường về, tôi nghe ở đâu đó trên dải núi xa xanh có tiếng chim đọng giọt giữa bầu trời

Theo chaobuoisang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...