Nhiều người tâm thần mất oan trợ cấp
Theo quy định của Chính phủ, người mắc bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm là đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý.
Anh Hồ Văn Ơi bị bệnh tâm thần nặng, gia đình phải nhốt vào cũi suốt 7 năm nay. Ảnh: Trần An.
Anh Hồ Văn Ơi, 19 tuổi ở thôn Pơ Nghi 2, xã A Ngo bị bệnh tâm thần nặng suốt gần 7 năm nay. Do anh Ơi hay đập phá, chửi bới xóm làng nên ông Quỳnh Ô (cha anh) phải nhờ người đóng cái cũi để nhốt con lại. Từ khi bị bệnh đến nay, anh Ơi không ăn cơm mà chỉ ăn bánh canh, mì tôm…, mỗi ngày chỉ ngủ 15 phút. Để trông con, hai vợ chồng ông Quỳnh Ô phải nằm ngủ ngoài hiên nhà để canh chừng. Cứ đến giờ anh Ơi đòi ăn, vệ sinh… là hai vợ chồng thay nhau phụ giúp.Theo khảo sát gần đây nhất của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện A Lưới, toàn huyện có 243 người mắc bệnh tâm thần, tập trung nhiều ở các xã như A Ngo, A Đớt, Hồng Kim, thị trấn A Lưới…Và trong số này chỉ có 55 người được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Ông Quỳnh Ô chăm sóc con trai bị bệnh tâm thần. Ảnh: Trần An.
Giống như anh Ơi, 188 người khác của huyện A Lưới cũng không được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đối với bệnh nhân tâm thần. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do bệnh nặng nên nhiều gia đình đã phải xích chân, nhốt cũi, hoặc xây chuồng bê tông để trông chừng người bệnh.Ông Quỳnh Ô có 5 người con thì đã 3 người bị bệnh nặng. Ngoài Hồ Văn Ơi bị tâm thần, hai người con khác cũng bị tàn tật do ảnh hưởng của chất độc da cam: người con gái đầu năm nay đã 35 tuổi bị bại liệt, người con trai thứ hai bị câm. Cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh ngặt nghèo trong khi đó anh Ơi chưa hề nhận được một đồng trợ cấp nào dành cho người tâm thần. Bà Kăn Đa, mẹ anh rầu rĩ: “Chúng tôi rất mong nó được hưởng trợ cấp để có thêm tiền mà lo thuốc!”.
Ngoài anh Ơi bị tâm thần, gia đình ông Quỳnh Ô, bà Kăn Y còn có hai người con bị tàn tật. Người bên phải ngoài cùng là chị gái đầu Hồ Thị I Rờ bị bại liệt. Ảnh: Trần An.
Không có được chứng nhận của cơ sở y tế, không có bảo hiểm để khám chữa định kỳ nên hàng trăm gia đình lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.Ông Hồ Nam Đông, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện A Lưới cho biết số người tâm thần không được hưởng trợ cấp nói trên là do gia đình không có điều kiện đưa họ đi khám chữa. Theo quy định thì người bệnh phải có chứng nhận của cơ sở y tế mới được hưởng chính sách. Trong khi đó, do cuộc sống gia đình khó khăn đồng thời việc đưa người bị bệnh đi khám không dễ chút nào, nên nhiều gia đình không làm được việc này.
“Chúng tôi đã đề xuất với ngành y tế nên tổ chức đoàn khám bệnh lưu động ở các thôn bản để người bị bệnh có điều kiện điều trị và được chứng nhận để hưởng chế độ của Nhà nước. Tuy nhiên ngành y tế cho rằng không có kinh phí để thực hiện công tác này”, ông Đông nói.
Theo VnExpress
Bình luận