Quà sáng teo tóp vì bão giá
"Sáng ra ăn xôi khô khốc nuốt không trôi nhưng chả lẽ không ăn. Giờ cái gì cũng đắt đỏ không tính kỹ thì chỉ có đói", chị Lệ - nhân viên một công ty bất động sản tại TP HCM thở dài.
Sáng nay giá nhiều món ăn bình dân tại TP HCM được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 3.000 đồng. |
Theo ghi nhận của VnExpress.net, từ sáng 2/4 nhiều cửa hàng bán đồ ăn, thức uống tại Sài Gòn đã niêm yết giá mới. Theo đó, mỗi phần ăn ở các nhà hàng lớn tăng từ 4.000 đến 5.000 đồng (tương đương 10-15%), riêng các món ăn bình dân bày bán ở lề đường như: xôi, hủ tiếu, bánh mì, cơm tấm cũng đồng loạt tăng thêm 1.000-3.000 đồng một phần. Hầu hết nguyên nhân được người bán hàng giải thích là do giá cả thị trường, nhất là giá xăng tăng đột biến.
Tại tiệm phở Hà Nội trên đường Trần Phú (quận 5), giá mỗi tô phở hôm qua là 22.000 đồng, đến sáng nay đã được thông báo lên 25.000 đồng. Bà Linh, chủ tiệm cho biết, do giá sỉ thịt bò, gà sống đã tăng thêm từ 2.500 đến 4.000 đồng, cộng thêm các loại rau sống, gia vị cũng tăng từ vài trăm đồng đến vài nghìn một kg nên tiệm phải điều chỉnh giá để không bị lỗ.
"Thịt, rau, thậm chí cả tỏi, ớt đã tăng từ mấy ngày nay rồi nhưng quán vẫn cầm cự đến hôm nay mới tăng vì sợ khách hàng chưa quen với mặt bằng giá mới", bà Linh phân trần. Bà cho biết, mặc dù số lượng khách đến ăn hôm nay có giảm so với trước nhưng mức giảm không đáng kể.
Gia đình ông Trường gồm 4 người lâu nay có thói quen ra tiệm phở vào mỗi buổi sáng cuối tuần. Hai tháng trước giá ở đây chỉ 18.000-20.000 đồng một tô, rồi tăng lên 22.000 đồng, đến nay 25.000 đồng. Ông nhẩm tính, trung bình mỗi buổi sáng gia đình ông phải chi 100.000 đồng cho bữa sáng (tốn thêm khoảng 20.000 đồng so với tháng trước).
"Giờ phải tính toán lại thôi chứ cứ ăn uống đà này tốn kém quá. Vợ chồng tôi làm lương công chức thu nhập cộng lại chưa đến 5 triệu cũng đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, đóng phí điện, nước và để dư được chút đỉnh, nhưng cứ đà cái gì cũng tăng thế này chắc không còn đồng nào", ông Trường nói.
Còn bà Kiều đến đây mua một tô phở mang về cũng cho biết, bắt đầu từ nay gia đình bà tập thói quen sáng dậy sớm nấu cơm hoặc mì tôm ăn rồi ai nấy đi làm, đi học để tiết kiệm. Riêng chỉ có mẹ của bà năm nay gần 90 tuổi răng yếu nên được "ưu tiên" ăn phở.
Quán cơm tấm trên đường Thành Thái (quận 10, TP HCM) giá vẫn chưa đổi. |
Một số cửa tiệm mặc dù không tăng giá song lại áp dụng chiêu "sẻ thịt lọc xương" khẩu phần ăn của khách để giảm chi phí, đảm bảo doanh thu.
Có mặt tại tiệm cơm tấm bình dân trên đường Sư Vạn Hạnh, anh Triệu, công nhân cầu đường cho biết, mặc dù giá ở quán này không tăng nhưng theo quan sát của anh thì miếng sườn có vẻ mỏng hơn và lượng cơm trong mỗi khẩu phần cũng vơi hơn trước.
"Ngày nào mình cũng ăn ở đây nên quen rồi, hồi trước miếng thịt sườn dày và to, còn giờ thì bọn mình vẫn đùa với nhau là lấy miếng sườn dán vào mắt mà vẫn thấy đường đi. Đã vậy trước ăn chỉ ăn một dĩa cơm là no nhưng giờ phải thêm một dĩa nhỏ nữa mới đủ", anh Triệu than.
Thừa nhận thực tế này, song theo lời giải thích của chủ tiệm thì cách cắt giảm lượng thức ăn như vậy chỉ là "kế tạm thời" để không bị mất khách. "Cũng không phải giảm đi nhiều nhưng biết làm sao bây giờ, tháng trước thịt lợn có 80.000 đồng giờ lên cả trăm nghìn rồi. Người ta tăng giá ầm ầm còn mình đâu có tăng đồng nào", bà chủ quán cho biết.
Song song đó, tại một số điểm bán thực phẩm bình dân khác, chủ quán cho biết vẫn chưa có kế hoạch tăng giá vì xuất phát từ mong muốn chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. "Thay vì trước đây lời 4.000 đồng một dĩa giờ xuống chỉ còn 3.000 đồng, mặc dù ít một chút nhưng vẫn sống được", anh Hòa chủ tiệm cơm tấm trên đường 3/2 (quận 10, TP HCM) nói với VnExpress.net.
Theo VnExpress
Bình luận