Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Cây cầu nối với sân vận động chính Jawaharlal Nehru sụp đổ làm 27 công nhân bị thương. |
Hôm 22-9, Bộ trưởng Thể thao Úc Mark Arbib cho biết nhiều khả năng một số lượng lớn VĐV Úc sẽ không tham gia CG tại New Delhi. Trước đó một ngày, nhà vô địch thế giới môn ném đĩa Dani Samuels đã khẳng định chắc chắn anh sẽ không đến tranh tài ở New Delhi vì các lý do an ninh và y tế.
VĐV ba lần vô địch thế giới môn nhảy cao Phillips Idowu, người Anh, cũng có quyết định tương tự. “Xin lỗi mọi người, nhưng tôi còn phải lo cho con cái” - Idowu viết tin nhắn trên trang Twitter. Ngôi sao điền kinh người Jamaica Usain Bolt cũng nói không với CG 2010. Đoàn VĐV đầu tiên của Scotland gồm 41 VĐV dự kiến khởi hành đến New Delhi hôm qua cũng hoãn chuyến đi với lý do “lo ngại về an ninh và sức khỏe”.
Cảnh sát Ấn Độ bảo vệ làng VĐV CG tại New Delhi. |
Cầu gãy, khủng bố, công trình bẩn
Chỉ còn vỏn vẹn hai tuần nữa CG sẽ khai mạc tại New Delhi (diễn ra từ ngày 3 đến 14-10), nhưng đến giờ hàng loạt công trình phục vụ đại hội vẫn dang dở, ngổn ngang do quản lý kém và tham nhũng.
Đại hội thể thao lớn thứ ba trên thế giới
CG là sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần với sự tham dự của hàng ngàn VĐV chuyên nghiệp đến từ các nước và vùng lãnh thổ thành viên Khối thịnh vượng chung. CG là đại hội thể thao lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Thế vận hội Olympic mùa hè và Đại hội thể thao châu Á. CG đầu tiên được tổ chức tại Canada năm 1930 dưới cái tên Đại hội thể thao đế chế Anh. Hiện tại, Khối thịnh vượng chung có 54 quốc gia thành viên (Việt Nam không phải là nước thành viên). Tuy nhiên, có tổng cộng 71 đội tuyển tham gia tranh tài tại CG 2010, bao gồm đội tuyển của bốn nước thuộc vương quốc Anh. Các lãnh thổ thuộc Anh, Úc, New Zealand... cũng cử đội tuyển riêng. Tổng cộng hơn 7.000 VĐV sẽ tham gia tranh tài ở CG 2010. |
Hôm 21-9, một cây cầu nối với sân vận động chính Jawaharlal Nehru bất ngờ sụp đổ làm 27 công nhân bị thương, trong đó có năm người bị thương rất nặng. Vụ tai nạn khiến các nước tham gia càng thêm nghi ngờ chất lượng các công trình hạ tầng phục vụ đại hội. Trước đó, chủ tịch Liên đoàn CG Michael Fennell cũng kịch liệt chỉ trích Ấn Độ vì không thể hoàn thành đúng tiến độ các công trình. “Đoàn tiền trạm của các nước đã bị sốc khi đến khu làng VĐV”- ông Fennell nói với Reuters.
Trưởng đoàn New Zealand Dave Currie cho biết bốn trong số năm tòa nhà ở làng VĐV chưa có nhà vệ sinh và bể chứa nước, những nơi có nhà vệ sinh thì cực kỳ bẩn thỉu. Đất đá, gạch vữa chất đầy các khu vườn nham nhở. Trung tâm huấn luyện của VĐV vẫn chưa xây xong, nước trong các bể bơi luyện tập đen ngòm, côn trùng đầy mặt nước.
Điều tra của Ủy ban Giám sát trung ương (CVC), cơ quan chống tham nhũng của Ấn Độ, hồi đầu tháng 9 cho thấy hàng loạt công trình lớn đã sử dụng bêtông và các vật liệu xây dựng kém chất lượng, dẫn tới việc các công trình chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng như dột, thấm, lún...
Đoàn thể thao các nước cũng tỏ ra lo ngại cho sự an toàn của VĐV sau vụ du khách nước ngoài bị tấn công ở New Delhi hôm chủ nhật 19-9. Cảnh sát và các nhân chứng cho biết hai người đàn ông mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm phóng môtô qua đền thờ Hồi giáo lớn nhất thủ đô, xả súng máy vào một xe buýt chở đầy du khách Đài Loan.
Hai du khách đã bị thương nặng. Nhóm khủng bố Hồi giáo Mujahideen Ấn Độ đã gửi thư điện tử đến nhiều tờ báo ở Ấn Độ thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công. Nhóm này đe dọa sẽ tiếp tục các hành vi bạo lực để phá hoại CG. Dù vậy, cảnh sát New Delhi khẳng định vụ tấn công chỉ là “tác phẩm” của bọn tội phạm băng đảng.
“Ấn Độ cần phép mầu mới tổ chức thành công CG”
Mới đây Thủ tướng New Zealand John Key cảnh báo nguy cơ CG bị hoãn hoặc hủy, và cho rằng đó sẽ là một thảm họa không chỉ đối với tương lai của CG mà với cả uy tín quốc tế của Ấn Độ. Trước đó, chính quyền và người dân Ấn Độ đã hi vọng sự kiện thể thao lớn với sự tham gia của hơn 7.000 VĐV đến từ 71 đội tuyển sẽ thành công rực rỡ tương tự Olympic Bắc Kinh, nâng cao vị thế chính trị - kinh tế của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Chi phí đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ CG hiện đã lên đến gần 5 tỉ USD, cao gấp 10 lần dự tính của chính quyền New Delhi hồi tháng 12-2003, biến CG 2010 trở thành CG đắt nhất trong lịch sử (chi phí Đại hội Melbourne 2006 khoảng 1 tỉ USD). Điều tra của CVC cho thấy các nhà thầu đã đẩy giá mua vật liệu, thiết bị lên hàng chục lần để đút túi tiền chênh lệch. CVC kết luận hạ tầng CG “gây nguy hại cho cả VĐV và khán giả do tham nhũng quy mô lớn”.
Theo trưởng đoàn New Zealand Dave Currie, Ấn Độ phải hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong vòng hai tuần nếu muốn đảm bảo CG diễn ra êm thấm. Trưởng đoàn Anh Hunter cảnh báo các nhà tổ chức không còn đủ thời gian. “Ấn Độ cần một phép mầu, chắc chắn là vậy, để tổ chức thành công CG”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận