Người cao tuổi nêu gương sáng làm kinh tế
Năm nay đã 73 tuổi, nhưng bà Đèo Thị Sớp (tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn miệt mài làm các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái như: thịt trâu, lợn sấy, lạp sườn, măng chua, chẳm chéo… Các món ăn của bà đã dần trở lên nổi tiếng và được nhiều người tiêu dùng yêu thích.
Để ngày càng phục vụ đông đảo khách hàng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, bà Sớp thành lập cơ sở sản xuất thịt sấy mang tên Ninh Sớp. Cùng với đó, đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn chất lượng cho sản phẩm.
Bà Sớp đóng góp sản phẩm bán cho khách hàng.
Cơ sở sản xuất thịt sấy của bà thu mua thịt tươi của giống lợn đen địa phương về chế biến cẩn thận, tỉ mỉ và ướp các gia vị như: quế, dổi, thảo quả, ớt... theo bí quyết gia truyền. Thịt sấy cơ sở Ninh Sớp đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm với các tiêu chí: ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có hương vị đặc trưng riêng. Hiện nay, các sản phẩm của bà có mặt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Thái Nguyên, Thái Bình và một số siêu thị lớn, nhỏ trong cả nước. Sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm được thị trường đón nhận, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, trừ chi phí, gia đình bà Sớp thu lãi 20 triệu đồng/tháng. Bà Sớp là một trong những điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi của thành phố.
Những năm qua, các cấp hội NCT trong tỉnh đã chủ động triển khai, phát động sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên thực hiện phong trào "NCT làm kinh tế giỏi". Cùng với đó, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để giúp NCT thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như ông Lê Văn Sử (gần 70 tuổi, bản Cẩm Trung, xã Mường Than, huyện Than Uyên) tận dụng những lợi thế sẵn có của gia đình để phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; đến nay, mô hình của ông đã thành công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông Sử còn tạo việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 36.000 hội viên NCT, trong đó có 14.500 người đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất (chiếm 40%). Với ý chí tự lực, tự cường, bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống, nhiều NCT trong tỉnh đã phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Qua rà soát và bình xét ở các cấp, toàn tỉnh hiện có 384 NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp; gần 1.200 NCT đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm cho gần 7.000 lao động là người địa phương. Song song với phát triển kinh tế, từ năm 2018 đến nay, Hội NCT các cấp trong tỉnh còn hiến 469.000m2 đất, đóng góp 101.922 ngày công, ủng hộ 490 triệu đồng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình phúc lợi công cộng... Qua đó, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phong trào "NCT làm kinh tế giỏi", thời gian tới, các cấp Hội NCT trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi. Đồng thời khuyến khích, động viên NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Phong trào không chỉ giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, còn góp phần xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ánh Hồng
Bình luận