Thứ năm, 28/11/2024, 14:30 [GMT+7]

Những “anh nuôi” trên chuyến tàu đặc biệt

Thứ năm, 02/05/2024 - 11:00'
(BLC) - Những ngày đầu năm 2024, tôi vinh dự được tham gia chuyến công tác của Bộ Tự lệnh Vùng 4 Hải quân tới thăm quân và dân trên Quần đảo Trường Sa. Chúng tôi gọi chuyến tàu 571 ra Trường Sa là chuyến tàu đặc biệt bởi đoàn công tác hầu hết là phóng viên đi trong mùa biển động, đặc biệt hơn nữa là tình cảm của các “anh nuôi” luôn tận tình chăm sóc chúng tôi trong hành trình kéo dài trên biển.

Với tâm trạng háo hức khi biết được đến công tác ở Trường Sa, tôi có mặt tại Quân cảng Cam Ranh để tham gia chuyến công tác đặc biệt ấy. Trong chuyến đi lần này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân bố trí 4 hạm tàu lớn, chia thành 4 tuyến theo các đảo phía Bắc, phía Nam và các tuyến giữa. Tôi cùng 46 đồng chí phóng viên được biên chế theo tàu 571 (Lữ đoàn 995) đi tuyến phía Bắc, tới các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Cô Lin và Sinh Tồn. Khi mặt trời chuẩn bị lặn, các tàu đồng loạt kéo vang ba hồi còi chào tạm biệt đất liền và lần lượt nhổ neo rời cảng. Biết rằng phía trước là hải trình đầy sóng gió, khó khăn và thử thách nhưng tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều phấn khởi, háo hức, mong chờ được đến sớm với nơi tiền tiêu của Tổ quốc trên chuyến tàu đầu năm mang tình cảm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Quần đảo Trường Sa.

Tổ hậu cần tàu 571 chuẩn bị thực phẩm cho chuyến hải trình kéo dài.

Tổ hậu cần tàu 571 chuẩn bị thực phẩm cho chuyến hải trình kéo dài.

Tôi đã được nghe nhiều về những chuyến đi vào mùa biển động, nhưng chỉ thực sự thấm thía khi tự mình trải nghiệm những cơn say sóng. Có những hôm sóng cao gần 5m, con tàu 5 tầng lắc lư chao đảo, đồ đạc trong phòng rơi, đổ loảng xoảng. Vậy mà trong hoàn cảnh khó khăn đó, những cán bộ, chiến sĩ trong tổ hậu cần, những “anh nuôi” của tàu vẫn tận tụy, phục vụ chu đáo bốn bữa ăn: sáng, trưa, tối và đêm cho mỗi thành viên trong đoàn. Cứ ba giờ sáng mỗi ngày, trong phòng bếp rộng khoảng hơn 20m2 là sự khẩn trương, trách nhiệm của những người vẫn được chúng tôi gọi với cái tên rất thân thuộc “anh nuôi”. Mỗi người đảm đương một phần việc, người nhặt rau, người đun nước, bày biện bát đĩa… để chuẩn bị bữa ăn sáng cho hàng trăm thành viên trong đoàn. Với số lượng suất ăn lớn, trên đất liền đã vất vả, khó khăn, trên tàu với điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, chông chênh, đặc biệt là khi sóng lớn, công tác chuẩn bị lại càng khó khăn, vất vả hơn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thiếu tá Phạm Ngọc Sang - Tổ trưởng phụ trách hậu cần tàu 571 cho biết: “Tổ hậu cần gồm 15 thành viên, trong đó có 3 đầu bếp chính và chỉ có tôi được đào tạo chính quy về nấu ăn, còn lại là các cán bộ, chiến sĩ từ nhiều bộ phận như kỹ thuật, thủy thủ tàu, lái xe...  Những cán bộ, chiến sĩ được chọn vào tổ đều có thời gian đóng quân trên các đảo của Quần đảo Trường Sa, vì vậy đều chịu được sóng gió, có sức khỏe tốt vì công tác bảo đảm hậu cần trên tàu rất vất vả, có những ngày gặp thời tiết mưa bão sóng đánh đổ thức ăn phải nấu lại nhiều lần, chưa kể nhiệt độ trong nhà bếp rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe...”.

“Anh nuôi” trên tàu 571 tất bật chuẩn bị bữa ăn tối cho thành viên Đoàn công tác.

“Anh nuôi” trên tàu 571 tất bật chuẩn bị bữa ăn tối cho thành viên đoàn công tác.

Để chuẩn bị công tác hậu cần cho chuyến đi này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nói chung và tàu 571 nói riêng đã lên kế hoạch trước ngày đi khoảng 1 tháng. Đặc biệt, để bảo quản thực phẩm cho cả chuyến đi, trước khi đoàn lên tàu 3 ngày, tổ hậu cần đã xây dựng thực đơn các món cho từng bữa ăn, từng ngày, định lượng khẩu phần ăn. Sau khi nhập thực phẩm sẽ tiến hành phân loại để bảo quản. Đối với rau xanh, loại thực phẩm khó bảo quản nhất, các loại rau, củ, quả được lựa chọn thường để được dài ngày, sau đó để khô trong phòng mát rồi bọc túi nilông đóng kín sắp xếp vào các kho lạnh trên tàu. Rau và các loại củ, quả được để riêng, không để chồng lên nhau tránh dập nát, hư hỏng. Lương thực, thực phẩm dự phòng thường tính thêm 5 ngày. “Đối với hành trình dài ngày, chúng tôi phải tính toán chi tiết, hợp lý để luôn đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho toàn bộ các thành viên trên tàu. Bởi, phục vụ cho đoàn công tác thường nhiều đối tượng, nhiều vùng miền, trong điều kiện trên biển khó khăn hơn trên đất liền, thiếu thực phẩm thì tàu không bảo đảm được, còn dôi dư lương thực sẽ gây lãng phí” - đồng chí Sang cho biết thêm. Bằng sự tận tâm, chu đáo của các “anh nuôi”, những bữa cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng đã giúp chúng tôi bảo đảm sức khỏe để vượt qua mọi khó khăn trên biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chuyến đi này.

Trở về đất liền, chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh về những “anh nuôi” trên chuyến tàu đặc biệt ấy. Những lời hỏi thăm như: Các anh em có say sóng không, có đồng chí nào không ăn được cơm chúng tôi nấu cháo nhé, đã đến giờ ăn cơm mời các phóng viên xuống dùng cơm… như tiếp thêm động lực, sức mạnh để chúng tôi hoàn thành chuyến đi, nhiệm vụ được giao phó. Chúng tôi cảm ơn các anh, những người đã luôn đồng hành, hỗ trợ trong chuyến đi đầy kỷ niệm tới Trường Sa.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...