Ấn tượng bản văn hoá du lịch San Thàng 1
Thứ ba, 21/09/2010 - 02:04'
(BLC) - Cùng với các điểm du lịch như quần thể hang động Pu Sam Cáp hay các công trình kiến trúc mới của thị xã Lai Châu, bản San Thàng 1, xã San Thàng (thị xã Lai Châu), đang dần trở thành một trong những điểm đến lý thú, hấp dẫn cho du khách bốn phương.
Các nghề thủ công truyền thống ở bản văn hoá San Thàng 1 là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch. Trong ảnh: Say bột làm bánh. |
Ngày 25/9/2009, bản San Thàng 1, xã San Thàng, thị xã Lai Châu chính thức được công nhận là Bản văn hoá – du lịch (giai đoạn 1). Là bản mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Giáy, việc xây dựng phát triển bản San Thàng 1 theo hướng du lịch là một hướng đi đúng.
San Thàng 1 hôm nay đã thay da đổi thịt. Theo con số thống kê mới nhất, cả bản có 60 hộ dân thì chỉ còn 3 hộ thuộc diện nghèo. Sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cộng với sự nỗ lực của người dân đã đưa San Thàng 1 thoát khỏi đói nghèo, xây dựng một miền quê thân thiện, hấp dẫn khách du lịch. Những mái nhà tranh tre dột nát ngày nào đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, nhưng vẫn giữ được cái “hồn”, bản sắc văn hoá dân tộc Giáy. Từ chiếc cối đá đến những liếp hoa, từ luống rau sau vườn tới rặng hoa trước cửa, tất cả dường như vẫn không khác gì San Thàng của hàng trăm năm trước.
San Thàng, dịch theo tiếng Quan Hoả nghĩa là mảnh đất có 3 cái ao. Đúng là trước đây ở bản có 3 cái ao lớn là nơi trữ nước, thả cá cho cả bản. Theo người dân địa phương thì 3 cái ao này không biết có từ thuở nào, nhưng nhiều người cho rằng nó vốn có từ thời khai sơn lập bản, từ buổi cha ông người dân tộc Giáy đến đây khẩn hoang dựng nhà nên tên một mảnh đất mới trở thành tên bản như vậy.
Đến bản, du khách có thể được thưởng thức những đặc sản rất đặc trưng của dân tộc Giáy được chế biến từ lúa, gạo. Có thể kể tên ra đây một vài món như bánh bò, bánh giầy, bánh bỏng, bánh khảo… Có chứng kiến từng công đoạn chế biến thực phẩm của bà con mới thấy đây là cả một quá trình công phu, tích luỹ kinh nghiệm từ nhiều đời, nhiều người và nhiều nhà. Chỉ một miếng bánh bỏng đơn giản nhưng để làm ra sản phẩm này đòi hỏi nhiều công đoạn công phu: thóc nếp lấy từ ruộng về phơi khô, quạt sạch, xay, giã tách vỏ trấu và lớp vỏ cám rồi ngâm, đồ thành xôi. Xôi nguội, lại phơi nắng cho vừa đủ tách từng hạt xôi, sau đó cho vào cối giã. Việc giã cũng cần lưu ý chỉ giã cho hạt xôi dẹt ra, nếu chỉ một chút không chú ý món bánh bỏng có thể trở thành bánh giầy bất đắc dĩ. Xôi giã xong lại phơi thật khô, sau đó rang bung lên như cốm rồi cô đường, trộn lại… Những món như bánh khảo, bánh bò… cũng công phu chẳng kém.
Ông Hồ Văn Khèn – Phó Bí thư Chi bộ bản kể: Khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến thăm bản không đi tìm cao lương mỹ vị mà chỉ tìm đến các món đặc sản dân tộc. Tôi đã chứng kiến nhiều đoàn khách, nhiều người ăn bánh do bà con dân tộc Giáy làm dù không nói được tiếng Việt nhưng qua cử chỉ, thái độ cho thấy họ rất thích thú với những đặc sản này và nhiều người còn đem về làm quà nữa.
Bản San Thàng 1 còn có tên khác là Phố Đá. Theo người già trong bản kể lại, trước đây, bản dựng trên nền đất có nhiều đá. Để tạo dựng mặt bằng, nhân dân trong bản đã lấy đá kê thành lối đi lát toàn đá, hai bên đường là dãy tường đá giống như những dãy nhà ở đô thị nên mới có tên gọi vậy. Bây giờ những con đường đá năm nào đã xuống cấp và được bêtông cứng hoá. Đến San Thàng 1 hôm nay, du khách vẫn còn gặp những dãy tường rào bằng đá của người dân, chứng tích của bản Phố Đá năm nào.
Ai là người hoài cổ, thích tìm về với đồng nội, dân gian thì nơi đây là lựa chọn tuyệt vời. Trong một năm người dân tộc Giáy có tới 7 lễ, hội lớn, tiêu biểu như các lễ: cầu mùa, cúng trâu, cúng ruộng, cơm mới… Mỗi lễ, hội đều mang đậm bản sắc dân tộc. Trước đây, do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, các lễ, hội này chỉ được tổ chức quy mô nhỏ, một vài lễ, hội còn bị mai một. Ngày nay khi kinh tế khá hơn, các lễ hội này dần được phục dựng. Đến với Phố Đá, nếu vào những ngày này, du khách sẽ được đắm mình trong các lễ hội mang đậm sắc mầu.
Các ngành nghề thủ công cũng là nét riêng của đồng bào dân tộc Giáy nơi đây. Nổi bật và lưu giữ lâu đời nhất có lẽ là nghề dệt thổ cẩm. Trang phục người dân tộc Giáy hầu hết là tự xe tơ, dệt vải, tự may vá, thêu thùa. Hầu hết mỗi hộ gia đình có khung cửi, máy khâu, trên nương nhà ai cũng có vài trảng bông, luống tràm. Hiện nay, nền kinh tế phát triển đã tác động mặt trái khiến trang phục của nhiều dân tộc bị mai một. Tuy nhiên, đồng bào Phố Đá vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống, nhất là đối với trang phục dân tộc. Đồng bào luôn cảm thấy tự hào về sắc phục dân tộc mình. Ngày nay, không dừng lại ở việc tự may vá quần áo của dân tộc mình, các gia đình nơi đây còn sản xuất thổ cẩm theo hướng hàng hoá. Người phụ nữ dân tộc Giáy rất khéo tay, những tấm vải họ dệt rất mịn, mỏng, bền màu. Hơn nữa, không chỉ dệt vải của dân tộc mình, họ còn có thể làm trang phục cho các dân tộc khác với hoa văn, màu sắc đẹp, hấp dẫn.
Vốn quý nhất của bản San Thàng 1 là sự nhiệt tình, mến khách. Dù bạn là người quen hay lần đầu tiên khám phá miền đất mới, tới bản, thăm nhà, bà con sẵn sàng, nhiệt tình mời thưởng thức những sản vật của đất này.
Xuân Thi
Viết bình luận
Quản lý xây dựng trái phép ở Tân Uyên
(BLC) – Công tác quản lý đất đai chưa bao giờ là việc dễ, nhất là đối với huyện Tân Uyên còn nhiều vấn đề do lịch sử để lại cũng như việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Cấp ủy, chính...
Việt Nam trúng cử Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2031
Ngày 20/11 (theo giờ địa phương), tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam đã tiếp tục tái cử vị trí thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ...
Thông báo Lịch tiếp công dân tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh
(BLC) - Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật...
Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...
Đội xung kích Công ty Điện lực Lai Châu tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Hải Phòng
(BLC) - Do ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện, tình hình mất điện diện rộng xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhằm hỗ trợ các đơn vị...
Bình luận