Thứ năm, 28/11/2024, 14:48 [GMT+7]
Sắc màu văn hóa hội tụ và lan tỏa

Bài 1: Tây Hồ - Vùng trầm tích văn hóa, lịch sử

Thứ hai, 12/08/2024 - 14:51'
(BLC) - Quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) được thiên nhiên ưu đãi có Hồ Tây mênh mông sóng nước với những “huyền tích” độc đáo cùng hệ thống di tích lịch sử dày đặc, cảnh quan nên thơ, hữu tình. Với hơn 70 di tích lịch sử mang dấu ấn của kinh thành Thăng Long, Tây Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển văn hoá, du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc.

3

2

Trong tâm thức mỗi người dân Hà Nội, vùng đất Tây Hồ luôn gắn với những giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, được mệnh danh là vùng đất “Rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”. Trải qua nhiều thế kỷ, Tây Hồ được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng của các du khách trong và ngoài nước. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc quanh hồ Tây, hướng nhìn ra mặt hồ. Ở các di tích này có nhiều văn vật có giá trị như: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá…

Đến với Tây Hồ, chúng tôi cảm thấy yên bình không chỉ bởi khung cảnh nên thơ của hồ nước phẳng lặng, mà còn bởi những nét trầm mặc trên mái ngói của những ngôi chùa cổ kính với kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao. Ngôi chùa nổi tiếng, được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu là chùa Trấn Quốc - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam từ thời Lý, tọa lạc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

2

Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Trấn Quốc tiếp tục được đời sau bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo để xây dựng vẻ đẹp trang nghiêm. Năm 1962, chùa Trấn Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đối với Phật giáo Việt Nam, chùa Trấn Quốc là niềm tự hào, là di sản quý giá sở hữu nét đẹp về kiến trúc, lịch sử và văn hóa.

Điểm nhấn nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa Trấn Quốc là Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen, được xây dựng năm 1998. Ngọn tháp 11 tầng với 6 ô cửa vòm mỗi tầng, trên đỉnh là đài sen 9 tầng, tượng trưng cho chín phẩm liên hoa, là biểu tượng của sự giác ngộ và giải thoát trong Phật giáo. Đặc biệt, đối diện với Bảo Tháp là cây bồ đề thiêng liêng, được chiết từ cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Đây là món quà quý giá mà Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đã tặng cho chùa Trấn Quốc trong chuyến thăm Hà Nội năm 1959.

2

Tây Hồ là một vùng trầm tích văn hóa với nhiều di tích lịch sử, mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến như: Phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... cùng với những lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống: Giấy dó Yên Thái, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng… 

7

 

Hàng năm các lễ hội truyền thống ở Tây Hồ được tổ chức để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể, khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Lễ hội ở Tây Hồ chủ yếu vào mùa xuân tại các làng và đa dạng trong sắc thái biểu hiện, trong nghi thức lễ tiết hay trong không gian văn hóa, diễn xướng... Các lễ hội đều hướng tới cầu được mùa, dâng lễ vật tạ ơn trời đất, tổ tiên.

Từ lợi thế của mảnh đất đậm dấu tích văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, quận Tây Hồ hình thành nên nhiều không gian văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Nhật Tân với những vườn đào khoe sắc thắm đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách đến tham quan. Cùng với đó, vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây với bạt ngàn các loại hoa, những view, điểm chụp ảnh đẹp, mới lạ, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm. Các đầm sen ven hồ Tây tỏa sắc vào mùa hè là điểm hẹn của giới trẻ. Dựa trên lợi thế cảnh quan hồ Tây, các làng hoa, làng nghề và hệ thống di tích, lịch sử văn hóa dày đặc trên địa bàn, quận hình thành Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ.

Phương Thanh - Thanh Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...