Thứ năm, 28/11/2024, 12:28 [GMT+7]
"Đòn bẩy" đưa văn hóa - du lịch Lai Châu phát triển lên tầm cao mới

Bài 1: Tạo đà cho Văn hóa - Du lịch Lai Châu phát triển

Thứ ba, 12/11/2024 - 14:30'
(BLC) - Bức tranh miền biên viễn Lai Châu ngày càng khởi sắc với những gam màu tươi sáng; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng; giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc đã thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Du lịch Lai Châu ngày càng có những thay đổi vượt bậc và doanh thu ngày càng tăng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả đó là có sự đóng góp rất lớn của Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu ban hành ngày 10/12/2021 mang lại.

Để tạo đà cho văn hóa, du lịch ngày càng phát triển, tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu đưa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch. Trên cơ sở đó, ngày 10/12/2021 HĐND tỉnh Lai Châu đã thông qua Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, miền đất huyền thoại nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Với diện tích tự nhiên 9.068,788km2, dân số trên 46 vạn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6%; có 8 huyện, thành phố với 106 xã, phường, thị trấn, có 22 xã biên giới giáp Trung Quốc với tổng chiều dài đường biên 265,165km. Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ Lai Châu có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Văn hóa truyền thống của 20 dân tộc nơi đây còn nổi bật với những lễ hội, trang phục, nghề thủ công, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, tri thức, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa.

Đồng chí Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực: Nhiều di sản văn hóa vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy. Các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục, kiến trúc nhà ở, dân ca, dân vũ, kỹ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, tri thức dân gian... được bảo tồn, phát huy. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, con người Lai Châu.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, mặc dù đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, song vẫn ở mức thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, phương tiện nghe, nhìn hiện đại, ngày càng tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của đồng bào các dân tộc, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa tốt đẹp ở một số dân tộc đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Việc khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong khối dịch vụ. Một số sản phẩm du lịch văn hóa đã hình thành và đưa vào khai thác, song quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả chưa cao. So với các tỉnh trong khu vực, Lai Châu là một tỉnh nghèo, địa hình phức tạp, xa các trung tâm kinh tế lớn là những rào cản lớn để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.

Trong bối cảnh đó, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” (1), thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Lai Châu quyết tâm thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, khai thác tốt, hiệu quả lợi thế sẵn có, phát huy nội lực và thu hút sự tham gia của người dân nông thôn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc phải gắn với ngăn chặn, xoá bỏ hủ tục lạc hậu; đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu tập trung nghiên cứu, bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tỉnh Lai Châu một cách khoa học và hệ thống. Khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị, di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu; xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh trong Nhân dân. Huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết: Với quyết tâm đưa giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, trên cơ sở đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong bốn chương trình trọng điểm của tỉnh là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030, vào ngày 10/12/2021, tại kỳ họp thứ năm, khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Lai Châu đã thông qua Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 59) ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Khôi phục lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, chợ phiên truyền thống; truyền dạy văn hóa truyền thống, truyền dạy và sản xuất vật mẫu nghề; tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển các điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch.

Về nguyên tắc hỗ trợ, Nghị quyết 59 cũng nêu rõ là ưu tiên hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch đã được công nhận, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch đã được công nhận, có điều kiện, lợi thế tiêu biểu của tỉnh.

Việc hỗ trợ phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá do cấp có thẩm quyền ban hành.

Đặc biệt, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi đăng ký. Trường hợp không thực hiện đúng cam kết phải bồi hoàn số kinh phí được hỗ trợ. Nghị quyết cũng quy định rõ ràng, trong cùng một nội dung hỗ trợ, có nhiều chính sách, quy định khác nhau thì đối tượng chỉ được hưởng một chính sách. Trường hợp một tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư nhiều nội dung khác nhau thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo từng nội dung nếu đáp ứng được các điều kiện tại Nghị quyết này.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 59, tỉnh Lai Châu lựa chọn, có định hướng cụ thể đối với việc sử dụng giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp các dân tộc trong phát triển du lịch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá các bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc, địa phương đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước.

Tỉnh có cơ chế, nguồn lực để sử dụng, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vào phát triển du lịch cộng đồng, tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc; ưu tiên thực hiện đối với một số điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế, tiêu biểu của tỉnh. Xây dựng phương án sắp xếp không gian các điểm du lịch cộng đồng. Lựa chọn các bản, các điểm cộng đồng dân cư có các sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc để phát triển du lịch. Đồng chí Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết thêm.

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết 59 đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Đảng, nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tinh thần trong Nhân dân. Đặc biệt, Nghị quyết góp phần thực hiện “hai nhiệm vụ lớn” vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, đẩy mạnh làm giàu, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

(1) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 11

(còn nữa)

Kim Anh - Văn phòng UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...