Chủ nhật, 01/12/2024, 07:14 [GMT+7]

Bát Tràng - Lửa nghệ truyền đời

Thứ tư, 07/08/2024 - 15:48'
(BLC) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề làm gốm truyền thống hơn một nghìn năm tuổi. Nhân dân nơi đây luôn tự hào về nghề làm gốm mang đậm văn hoá, tinh hoa của người Việt. Để rồi họ tích cực, sáng tạo, đổi mới làm ra những sản phẩm gốm tinh xảo, bắt mắt đáp ứng thị hiếu khách hàng và từng bước đưa làng nghề truyền thống trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội.

1

2222

Trong chuyến công tác tại Thủ đô cuối tháng 7 vừa qua, giữa tiết trời đẹp bắt đầu sang thu của Hà Nội, chúng tôi được cán bộ Hội Nhà báo Hà Nội đưa đi thăm xã Bát Tràng - Nơi được ví là một trong những “tinh hoa làng nghề Việt”. Đến trụ sở UBND xã Bát Tràng, chúng tôi được đồng chí Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã tiếp đón nồng nhiệt. Điểm đến đầu tiên anh Khôi đưa chúng tôi tham quan là Nhà truyền thống. Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, có tình yêu sâu đậm và đam mê với nghề gốm nên anh Khôi say sưa giới thiệu cho chúng tôi về nguồn cội của làng nghề gốm Bát Tràng. Những giai đoạn thăng trầm; sự nỗ lực của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa của làng nghề bằng chất giọng hào sảng, ánh mắt biết nói và nụ cười tươi.

3

4

Gốm Bát Tràng rất phong phú đa dạng với nhiều kiểu dáng chủng loại và kích thước, phân loại theo chức năng. Như đồ thờ cúng có phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe... Đồ gia dụng có ấm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu. Đồ gốm trang trí mỹ nghệ và gốm xây dựng. Để tạo ra một sản phẩm gốm phải trải qua từ 15-20 công đoạn khác nhau tuỳ từng chất liệu và cách thức tạo ra sản phẩm như sản phẩm tạo ra từ khuôn và sản phẩm tạo ra từ chế tác thủ công... Nguồn nguyên liệu chính làm nên sản phẩm hữu ích cho cuộc sống đó là đất cao lanh trắng.

55

66

Nghệ nhân được coi là hồn cốt cho sự phát triển của nghề gốm Bát Tràng. Với khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo kết hợp bí quyết sử dụng các dòng men quý, họ tạo nên những sản phẩm gốm đầy tinh xảo, đẹp mắt, độc đáo có giá trị cao. Như nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Đạt chuyên về dòng men rạn cổ; nghệ nhân Trần Độ chuyên phục chế các dòng men thời Lý, thời Trần đã làm ra bộ sưu tập Ấn rồng gần 50 mẫu ấn qua các thời đại; hay đôi choé men rạn cao 2m trị giá 6 tỷ đồng, đôi choé men trà của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn hoàn thành dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Đạt - xã Bát Tràng phấn khởi: Sinh ra và lớn lên ở gia đình có truyền thống làm nghề gốm lâu đời tại Bát Tràng, ngay từ nhỏ tôi được đùa vui với đất, quen với lửa, vì thế rất đam mê, say với nghề. Là người con của quê hương, không riêng tôi mà tất cả nghệ nhân, thợ giỏi đều luôn đau đáu làm thế nào để tạo ra những sản phẩm mang tính chất văn hoá của dân tộc, hồn cốt của làng nghề gốm nghìn năm tuổi. Đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng và chạm đến trái tim của những người yêu gốm.

Đối với nghệ nhân trẻ Phạm Duy Tân - Trưởng phòng sản xuất, công ty TNHH gốm sứ Cương Duyên nối nghiệp cha ông là niềm tự hào và trách nhiệm để gìn giữ tinh hoa của làng nghề Việt. Anh Tân chia sẻ: Hiện nay, ngoài việc phát huy thế mạnh của dòng men độc quyền “dệt gấm thêu hoa” kết hợp với sự sáng tạo trẻ, tạo ra những sản phẩm đẹp, đáp ứng được yêu cầu thị trường, chúng tôi còn nghiên cứu dòng men pháp lam, liên tục sản xuất, cải tiến để thúc đẩy nghề gốm quê hương ngày càng phát triển.

77

Từ nơi làng nghề làm gốm truyền thống Bát Tràng đã sinh ra những người thợ giỏi, tài hoa, góp phần tô đẹp cho quê hương, đất nước.  Hiện nay, xã Bát Tràng có 2 nghệ nhân Nhân dân, 8 nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân Hà Nội, 5 nghệ nhân dân gian, trên 100 nghệ nhân làng nghề Việt Nam và 2 câu lạc bộ làng nghề truyền thống.

777

Trong niềm hân hoan, phấn khởi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết thêm: Là xã không sản xuất nông nghiệp, hiện nay, Bát Tràng có gần 100% hộ dân sản xuất, kinh doanh liên quan đến gốm sứ. Trên 700 hộ sản xuất gốm sứ, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ. Địa phương có cụm sản xuất làng nghề tập trung rộng 17 ha. Bên cạnh 2 làng nghề truyền thống Bát Tràng, Giang Cao với bề dày lịch sử văn hoá lâu đời, trên địa bàn còn có 27 di tích, trong đó 6 di tích được xếp hạng: Nhà tưởng niệm Bác Hồ – nơi Bác Hồ về thăm Bát Tràng vào 20/2/1959; Nhà in báo độc lập – nơi xuất bản đầu tiên bài hát Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) của Nhạc sĩ Văn Cao. Thêm nữa là Bát Tràng nằm ven con sông Hồng - đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch.

88

Bước ngoặt cho sự phát triển du lịch của Bát Tràng phải kể đến năm 2019, nơi đây được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Năm 2021, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo du khách từ mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế về tham quan. Nơi đây có những điểm nổi bật về kiến trúc khối bàn xoay “độc nhất vô nhị” và 6 tầng trưng bày, trải nghiệm chủ đề gốm sứ ấn tượng để du khách thoả thích ngắm nhìn, thưởng thức và tạo dáng chụp ảnh bên những xoáy ốc khổng lồ, tác phẩm điêu khắc gốm sứ tuyệt đẹp…

99

Để hấp dẫn các du khách, xã Bát Tràng vận động các nghệ nhân, doanh nghiệp chuyển đổi một số hoạt động từ sản xuất sang du lịch. Tạo sân chơi để nhân dân, du khách trải nghiệm nặn gốm; các văn nghệ sĩ đến sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu bằng gốm sứ. Minh chứng cho những điều mình nói, anh Khôi đưa chúng tôi đến thăm lò Bầu cổ của làng cổ Bát Tràng.

Đặt chân đến lò Bầu cổ, hiện lên trước mắt chúng tôi là một không gian nhộn nhịp, vui tươi. Các em nhỏ thích thú bên chiếc bàn xoay nặn chiếc bát, chiếc cốc cùng bố mẹ; nhiều thanh niên trẻ đang say mê trang trí cho sản phẩm gốm mình vừa làm ra. Tay lấm lem nhưng ai cũng nở nụ cười hạnh phúc. Chị Dương Thị Như Quỳnh hồ hởi: Nhà tôi cũng ở huyện Gia Lâm, thỉnh thoảng cuối tuần, tôi đưa 2 cháu qua đây để các con được vui chơi, sáng tạo nặn gốm. Vừa cho các con sân chơi bổ ích tránh xa tivi, điện thoại; đồng thời, tôi cũng được giải trí, giảm căng thẳng sau tuần làm việc vất vả.

111

222

Trung bình mỗi năm, Bát Tràng đón khoảng 500.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại, du lịch trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng; tăng thu nhập bình quân cho người dân trong xã với mức gần 90 triệu/người/năm.

3333

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...