Thứ năm, 28/11/2024, 14:28 [GMT+7]

Chiếc gùi - nét văn hóa vùng Tây Bắc

Thứ hai, 20/09/2010 - 11:25'
(BLC) - Có mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao, Giáy… vùng Tây Bắc tự bao giờ không ai biết nữa, chỉ biết rằng chiếc gùi đã cùng với người dân vùng cao chia sẻ những nhọc nhằn. Mỗi khi ai đó xa quê, gùi lại là nỗi thương nhớ trong kí ức của người yêu rừng, nhớ suối…
Chiếc gùi - vật dụng quen thuộc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ảnh: H.T

Ở một góc nào đó thẳm sâu trong tâm hồn của người dân Tây Bắc, chiếc gùi như một người bạn tâm giao để họ bộc bạch nỗi niềm riêng. Từ bàn tay cần cù khéo léo, tính kiên trì và óc thẩm mỹ sáng tạo, gùi như tấm lòng người Tây Bắc thơm thảo, gắn cuộc đời với nương rẫy, núi rừng. Khi hoa ban nở rộ, những chồi non lộc biếc giữa đại ngàn căng mình đón khí trời ấm áp; khi những tiếng khèn, tiếng pí của hội vui xuân trên các bản mường khép lại thì cũng là lúc gùi cùng với người dân vùng cao lên nương gieo hạt, trồng cây… Gùi đã góp sức làm thay da đổi thịt trên các vùng đất để hôm nay màu xanh của lúa, ngô, khoai, sắn; của những cây công nghiệp như cao su, trẩu, quế, thông, hồi… đã phủ khắp núi đồi.

Không phải ngẫu nhiên gùi hình thành và có ở miền Tây Bắc. Tạo hóa thật công bằng khi ban tặng người Tây Bắc chiếc gùi thân thương, để họ có thể leo ngang sườn dốc mang thóc, ngô hay nắm rau dớn, củ măng về nhà. Nhờ gùi, cuộc sống người vùng cao đã bớt đi khó khăn, đôi tay người vùng cao đỡ phần mệt mỏi.
Chuyện kể rằng: xưa có đôi trai gái yêu nhau. Trai nghèo yêu con gái nhà Phình giàu có. Họ nhà Phình bảo: thằng ấy là thân trâu, thân ngựa không có công danh chức tước trong bản làng, yên ngựa đặt lên lưng ngựa sao giờ ngựa lại đặt lên yên. Để ngăn cản tình yêu của đôi trai gái, họ Phình đã cướp hết ruộng nương, đốt nhà… khiến chàng trai phải bỏ bản đi nơi khác. Thương nhớ người yêu, ngày đêm cô gái ra khóm tre nơi hai người đã trồng để khắc ghi lời chung thủy. Lạ thay năm tháng qua đi, cây tre ấy không già cỗi mà sinh sôi nảy nở phủ khắp cả rừng xanh, cây nào cũng thon dài, chỉ vừa bằng cổ tay của đứa bé mới sinh, tròn trịa và thẳng tắp. Nỗi nhớ người yêu dâng trào, quay quắt đến nao lòng cô quyết định đi tìm chàng trai. Cô liền đốn cây tre, nạo vỏ, lấy cật tre, chẻ ra lạt nhỏ rồi đan tạo thành khối hình trụ, miệng loe ra giống hình bông hoa gạo, đáy thì nhỏ các sợi đan nhau làm thành 4 góc vuông sắc cạnh. Các nan đan vắt chéo nhau tạo hình hoa văn tượng trưng cho tình yêu bất diệt, lòng chung thủy, đồng thời đó còn là niềm tin, cầu mong sự bình yên may mắn và hạnh phúc. Gùi được giữ cứng, chắc bởi 9 thanh ngang. Cô đi hết ngọn núi này, đến núi khác hết quả đồi này đến quả đồi kia và cuối cùng cô đã gặp được chàng, 2 người đã sống trọn kiếp bên nhau.
Theo tiếng Dao, cây tre để đan gùi có tên là Lào Phin, tiếng Thái là KhảngKlúng, tiếng Mông là XungTrở. Dây làm quai đeo gùi cũng được bà con lấy từ các sợi của vỏ cây sì trong rừng. Lào Phin quý và hiếm nên bà con trồng, chăm sóc cẩn thận không lấy măng như những loại tre khác. Trồng tre được 3 năm khoảng 2 sải tay thì bà con lại đốn về đan gùi.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gùi xung trận như một người chiến sĩ kiên trung, cùng bà con dân bản trèo đèo lội suối cõng muối, tải đạn ra tiền tuyến giúp quân dân ta làm nên bao thắng lợi hào hùng. Góp nhặt yêu thương từ nơi này đến nơi khác, trên lưng các mẹ, các chị, gùi còn là cái nôi cho em thơ giấc ngủ nồng say. Hơn thế nữa gùi còn cõng gạo nuôi con chữ chắp cánh cho những ước mơ tới trường. Để đến bây giờ khắp các bản mường đâu đâu cũng có tiếng ca hát, tiếng học bài; tiếng đồng lòng quyết tâm của tuổi trẻ đứng lên xây dựng quê hương. Vào những đêm trăng sáng bên cọn nước chảy êm đềm hay trong những đêm hội bập bùng ngọn lửa tình cháy bỏng, gùi đã mang cây khèn, cây sáo giúp cho trai làng, gái bản thổ lộ, trao nhau ân tình. Và sau mỗi đêm hội gùi lại xe kết những lời hẹn ước yêu thương cho nam thanh nữ tú nên duyên chồng vợ.
Gùi chính là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa của đồng bào miền Tây Bắc. Gùi cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết bản trên mường dưới thêm thắm đượm nghĩa tình, mỗi khi mùa vụ đến, bà con lại đi gùi thóc, ngô… giúp nhau. Con trai đan gùi và con gái thêu thùa đã trở thành bức tranh miền sơn cước đi vào lòng người với bao ý nghĩa. Ở đó người đọc sẽ cảm nhận được thông điệp xanh về cuộc sống làng quê Việt Nam bình dị với tấm lòng thơm thảo, hiếu đạo, hay đó còn là tâm tư tình cảm, nhân dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng. Ngày nay đã có bao nhiêu phương tiện hiện đại ra đời nhờ ứng dụng khoa học kĩ thuật nhưng hình bóng gùi vẫn không bao giờ phai nhạt, gùi đã khắc in vào mỗi ngọn núi, dáng cây, mỗi tên bản, tên làng. Và đặc biệt với người Tây Bắc, chắc chắn rằng sẽ không một phương tiện nào có thể thay thế được và gùi sẽ ngày càng nặng lòng với bao thế hệ.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...