Chủ nhật, 01/12/2024, 09:07 [GMT+7]

Chiếu 'Long thành cầm giả ca' có phù hợp Đại lễ?

Thứ hai, 04/10/2010 - 10:29'
Long thành Cầm giả ca là một trong hai phim mới nhất, liên quan Thăng Long- Hà Nội được chọn chiếu dịp Đại lễ. Thậm chí là phim duy nhất công chiếu, bởi Khát vọng Thăng Long mới chỉ chiếu trong diện hẹp, chưa ra mắt công chúng. Nhân dịp này, Tiền Phong đăng ý kiến bình luận về bộ phim.
Một cảnh trong phim .

1. Tôi không gọi Long thành Cầm giả ca là phim lịch sử hay cổ trang. Bối cảnh của phim là giai đoạn Lê-Tây Sơn-Nguyễn. Trước những biến động khôn lường của lịch sử, thân phận con người thật mỏng manh, dễ bị thương tổn và đầy bất trắc.

Đấy là những bối cảnh mà nghệ thuật có thể khai phá tới tận cùng sâu thẳm thân phận của con người. Đấy cũng là những bối cảnh mà nghệ thuật- vì những lý do nào đó không thể khai phá được thân phận con người ở thời lịch sử hiện đại vừa qua có thể lấy chúng làm bối cảnh tương đồng để khai phá.

 
Một cảnh trong phim.

Long thành Cầm giả ca là thân phận của một ca nương thời tao loạn. Là cuộc đời của một thi bá Việt Nam - Nguyễn Du. Đáng tiếc, dù thời lượng khá dài, khoảng hai tiếng đồng hồ, phim thiếu chiều sâu và những khai phá về con người.

Có thể thấy rằng bối cảnh của bộ phim là một giai đoạn dài của lịch sử, từ Lê-Trịnh, qua Tây Sơn, đến Nguyễn sơ, và do vậy phim quá loãng không tập trung được vào một chủ đề nhất định.

2. Phục trang và ngoại cảnh của phim tốt. Đúng là ngoại cảnh Việt Nam. Tuy màu sắc áo mặc của quan lại tôi chưa kiểm tra được với thư tịch. Phim miêu tả được lối đi chân đất của người Việt, nhưng bàn chân của các diễn viên quá trắng (ví dụ vai quân lính) khiến cho lối đi chân đất trở thành giả tạo.

Lời thoại của phim có vấn đề. Nguyễn Khản không thể gọi thẳng tên tục của chúa Trịnh. Nguyễn Du gọi Nguyễn Nễ anh cùng mẹ với mình là Nguyễn huynh thì rất không ổn. Loại đàn mà ca nương trong bộ phim sử dụng là đàn nguyệt, phù hợp với Nguyễn Du viết trong bài Long thành Cầm giả ca. Nhưng đàn nguyệt không phải là loại đàn sử dụng trong ca trù. Đàn nguyệt được sử dụng trong hát chầu văn. Trong phim có đoạn ca nương hát bài Tỳ bà hành và gảy đàn nguyệt, như vậy rất không ổn.

3. Long thành Cầm giả ca là phim đầu tiên của đạo diễn Đào Bá Sơn mà tôi được xem. Đạo diễn có những cố gắng tìm tòi nhất định, như học hát với chum, tay ngâm thuốc bắc. Nhưng ngay ở những tìm tòi này vẫn thấy thiếu chiều sâu, như khai phá đặc điểm mới lạ của học hát với chum. Đó chỉ như minh họa và cũng không tận dụng được những tìm tòi mới lạ này để khai phá về thân phận con người.

4. Tôi hơi bất ngờ khi thấy bộ phim Long thành Cầm giả ca được chọn làm phim chính thức trình chiếu dịp Đại lễ. Giai đoạn mà bộ phim thể hiện là giai đoạn Thăng Long loạn lạc, ly tán, tàn phai và thoái trào. Chính trong giai đoạn đấy Thăng Long đã đánh mất vị trí là trung tâm chính trị của đất nước.

Giai đoạn đấy rất không thích hợp để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nó bẽ bàng và phôi pha. Thăng Long trong bộ phim cũng như thân phận của người ca nương bi đát, không có lối thoát và không có hậu.

Theo Tiền Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...