Văn hóa | MULTIMEDIA | KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU
Gìn giữ bản sắc văn hoá các dân tộc
Nhắc đến bản sắc văn hoá các dân tộc, có lẽ trang phục truyền thống là dễ nhận biết và độc đáo nhất. Trang phục được ví như là một công trình nghệ thuật hay, hấp dẫn, thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người phụ nữ. Đặc biệt, tôn lên vẻ đẹp rạng ngời của chị em. Nếu phụ nữ dân tộc Thái khoe trọn đường cong cơ thể qua bộ áo váy cóm, thì chị em người dân tộc Mông xúng xính trong bộ váy xoè; các cô gái người Dao, Hà Nhì rực rỡ trong bộ áo váy, mũ sặc sỡ sắc màu; điểm nhấn của bộ trang phục người Lào, Lự giúp chị em đẹp hơn là váy dệt thổ cẩm và áo đính những hàng đồng xu bắt mắt; các cô người Giáy giản dị với bộ trang phục tao nhã, quần đen kết hợp áo một màu.
Chị Tao Thị Kiêng - xã Bản Hon, huyện Tam Đường phấn khởi: Tôi rất yêu, thích bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Lự. Có khăn quấn đầu được trang trí bằng những chiếc kẹp đủ màu sắc, có thể cài thêm hoa tươi cho đẹp hơn. Áo và váy có nhiều hoạ tiết do chính tay chúng tôi tự dệt, thêu. Mỗi năm, chúng tôi dành thời gian để may cho mình và người thân trong gia đình một bộ quần áo mới.
Cùng với trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian được các dân tộc trong tỉnh lưu giữ và phát huy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là nền âm nhạc phong phú với những bản trường ca của người Hà Nhì; là tiếng khèn Mông trầm bổng, tiếng đàn tính của người Thái ngân nga, trong trẻo; tiếng Pí kẻo nỉ non da diết của người dân tộc Giáy. Bài dân ca, dân vũ đặc sắc gắn với lao động sản xuất và đời sống tín ngưỡng như: múa khèn, múa nón, múa quạt, múa xoè, múa Then về trời, múa trống của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Lự…
Nghệ thuật trình diễn dân gian được các dân tộc lưu giữ và phát huy, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Lễ hội truyền thống là một trong những nét văn hoá đặc trưng nhất của mỗi đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để nhân dân, các du khách được giao lưu văn hoá, văn nghệ, thưởng thức trọn vẹn tinh hoa giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Bởi ở đó, trong phần lễ có nghi thức cúng thần linh; phần hội là các cô gái, chàng trai trong trang phục truyền thống múa, hát; chơi trò chơi dân gian: tó má lẹ, đẩy gậy, ném pao; thi ẩm thực với nhiều món ngon, hấp dẫn, như: cá bống vùi tro, xôi ngũ sắc, gà đen hầm bí đỏ, các món rau rừng nộm…
Lễ hội truyền thống luôn là nét nét văn hoá đặc trưng riêng biệt của từng dân tộc.
Đồng chí Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ phấn khởi: Trên địa bàn huyện có 7 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, huyện luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ trang phục truyền thống; nghề thủ công dệt vải, đan lát; điệu múa xoè, múa quạt, múa khèn. Đặc biệt, huyện duy trì tổ chức và nâng tầm quy mô các lễ hội truyền thống đặc sắc của người Thái: Nàng Han, Then Kin Pang, Áp hô chiêng; Gầu Tào của người Mông; Tết quả trứng của người Dao. Vận động nhân bản Sin Suối Hồ tiếp tục phát huy bản sắc văn hoá người Mông gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Trong nền văn hoá của mỗi dân tộc, không thể không nhắc đến những phong tục độc đáo như nhuộm răng đen của người Lào, người Lự; tục xăm cằm của người Mảng. Bên cạnh đó, chữ viết cũng được các nghệ nhân tích cực sưu tầm, gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Kiến trúc nhà ở: nếp nhà sàn, nhà trình tường, nhà trệt được bà con duy trì theo thời gian, làm đẹp hơn nhờ trang trí khuôn viên, không gian sống và sử dụng vật liệu tốt, bền hơn.
Từ nhiều năm nay, sự đặc sắc, độc đáo trong nền văn hoá của 20 dân tộc, nhất là 13 dân tộc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã góp phần thu hút khách du lịch đến với các địa phương nhiều hơn để tham quan, trải nghiệm và thưởng thức văn hoá. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc gắn với phát triển du lịch, những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
...
Trong đó, quan tâm bố trí, phát huy hiệu quả nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết 59/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; trang thiết bị nhà văn hoá; hỗ trợ đội văn nghệ, câu lạc bộ tập luyện, nghệ nhân truyền dạy. Mở các lớp truyền dạy trình diễn nghệ thuật dân gian, tạo hình trên trang phục truyền thống…
Hằng năm, các cấp, các ngành chú trọng tổ chức các hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả công tác bảo tồn văn hoá gắn với du lịch; các sự kiện: Tuần Du lịch - Văn hoá; Ngày hội Văn hoá, Thể thao các dân tộc; các lễ hội truyền thống. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch…
Hiện nay, toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn bản; 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong trường học, xây dựng được không gian văn hóa; phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc; duy trì hiệu quả hoạt động 946 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, 95 nhà văn hóa cấp xã. Đặc biệt, bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ) đã được vinh danh trở thành bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023…
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác bảo tồn, trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống đã tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Nhờ đó, lượng khách đến Lai Châu ngày một đông hơn. Trong giai đoạn 2021-2023 tổng lượt khách ước đạt gần 2 triệu lượt người, tổng doanh thu trên 1.500 tỷ đồng.
Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc phấn khởi: Lai Châu đẹp, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là văn hoá dân tộc đa dạng, phong phú. Tôi đã được thưởng thức lễ hội Áp hô chiêng, các bài dân ca, dân vũ; đội khăn piêu; vui nhất là trải nghiệm thêu thổ cẩm với các em học sinh.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận