Chủ nhật, 01/12/2024, 12:24 [GMT+7]

Hướng đến sản phẩm dịch vụ du lịch lưu trú kéo dài

Thứ ba, 31/10/2023 - 16:50'
Phong Thổ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, tiềm năng du lịch sinh thái và khu di tích lịch sử cấp tỉnh, điểm du lịch cộng đồng. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, huyện Phong Thổ chú trọng khai thác tiềm năng du lịch và hướng đến sản phẩm dịch vụ du lịch lưu trú kéo dài.

Bản Vàng Pheo (xã Mường So) ẩn mình dưới chân núi Phu Nhọ Khọ. Nơi đây không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, núi non hùng vỹ mà còn là “cái nôi” văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đến Vàng Pheo, du khách luôn cảm nhận được sự bình yên, thư thái bởi bản vẫn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống, người dân mặc những bộ váy áo cóm, áo chàm truyền thống với thiết kế cầu kỳ, tỉ mỉ. Bên những nếp nhà sàn, những người đàn ông cặm cụi đan lát, làm nhạc cụ dân tộc, phụ nữ tập múa xòe, đánh chiêng.
Chúng tôi dừng chân tại ngôi nhà sàn khang trang và đẹp nhất, nhì bản của bà Vàng Thị Sen mới được sửa lại để đón khách lưu trú. Vừa dọn dẹp phòng ngủ cho khách, bà Sen chia sẻ: “Là bản du lịch cộng đồng của huyện, Vàng Pheo đón nhiều khách tới tham quan, trải nghiệm, vì vậy, tháng 4/2023, gia đình tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng sửa lại nhà, làm 3 phòng ngủ cho khách thuê nghỉ lại và đến nay đã sẵn sàng chờ đón khách tới nghỉ dưỡng. Cùng với đầu tư phòng nghỉ, gia đình tôi còn kết nối với đội văn nghệ bản để phục vụ du khách khi có nhu cầu; đầu tư bếp ăn, khu vực làm nhạc cụ dân tộc để khách trải nghiệm”.

Huyện Phong Thổ quan tâm phục dựng và duy trì tổ chức các lễ hội nhằm thu hút khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng dài ngày. Trong ảnh: Phần rước gạo mới trong Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu tại xã Mường So.

Chia tay bà Sen, chúng tôi tới bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, nơi vừa được ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất năm 2022. Sin Suối Hồ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Trung bình mỗi năm, bản đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan.
Dừng chân tại quán cafe Ka Sha của chị Hảng Thị Sú - nơi đây phong cảnh hữu tình, từ quán có thể ngắm cảnh núi rừng xanh bạt ngàn, những ngôi nhà gỗ, nhà đất của dân tộc Mông cùng những thửa ruộng bậc thang đang ngả vàng báo hiệu một mùa vụ bội thu. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, Sin Suối Hồ ẩn hiện trong làn sương mù. Trò chuyện với chị Sú, chúng tôi được biết, hiện chị là Giám đốc Công ty Du lịch Dân tộc miền núi và điều hành quán cafe Ka Sha, cùng gia đình phát triển mô hình homestay, xây dựng bungalow (kiểu nhà thường chỉ có một tầng diện tích nhỏ, trần thấp và mái hiên thoáng mát) với tên gọi “nhà tổ ong” để phục vụ khách du lịch tới nghỉ dưỡng.

Du khách lưu trú và chụp ảnh check in tại nhà tổ ong của chị Hảng Thị Sú ở xã Sin Suối Hồ.

Chị Sú chia sẻ: Nhằm phát triển du lịch tại địa phương và hướng tới phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch lưu trú dài ngày, gia đình tôi đầu tư xây dựng 20 phòng ngủ và 2 homestay. Đồng thời, mở quán cafe, quán ăn, cho thuê trang phục, hướng dẫn viên du lịch cho khách khi tới bản. Trung bình mỗi năm quán tôi đón hàng nghìn lượt khách trong, ngoài tỉnh và có cả khách nước ngoài tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Được biết, Phong Thổ có nhiều tài nguyên du lịch đã được công nhận như: Đền thờ Nàng Han, Hang kháng chiến Nà Củng (xã Mường So); danh lam thắng cảnh thác trái tim, con đường đá cổ Pa Vi (xã Sin Suối Hồ). Hằng năm trên địa bàn huyện còn diễn ra các lễ hội như: đua thuyền ở thị trấn Phong Thổ; Nàng Han, Áp Hô Chiêng (xã Mường So), Then Kin Pang (xã Khổng Lào). Các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), Vàng Pheo (xã Mường So)… Huyện tập trung phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương với các loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm; nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Đèo Văn Dương - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Để hướng đến sản phẩm dịch vụ du lịch lưu trú kéo dài, huyện đầu tư xây dựng bến thuyền, mua 7 thuyền để duy trì tổ chức lễ hội truyền thống đua thuyền Pa So; xây dựng khu vực té nước phục vụ lễ hội Then Kin Pang; nâng cấp, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa xã Khổng Lào; khôi phục Lễ hội Áp Hô Chiêng; hỗ trợ duy trì tổ chức các lễ hội hàng năm. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện đang hỗ trợ 2 bản: Sin Suối Hồ, Vàng Pheo xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đến 2 điểm du lịch cộng đồng; xây dựng địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, thể thao đặc sắc dân tộc; cải tạo, sửa chữa 10 nhà ở theo kiến trúc nhà ở truyền thống; xây dựng mới nhà vệ sinh cho các hộ gia đình kinh doanh homestay. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch kéo dài.
Cùng với đó, chú trọng xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch an toàn, thân thiện. Nhất là đẩy mạnh du lịch quốc tế Lai Châu - Ma Lù Thàng - Kim Bình - Mông Tự - Côn Minh (Trung Quốc). Qua đó, thu hút khách từ các tỉnh, nước ngoài tới nghỉ dưỡng lâu dài trên địa bàn.
Với những giải pháp thiết thực trên, từ đầu năm tới nay, Phong Thổ đã có trên 33.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng mức thu nhập từ dịch vụ du lịch cho nhân dân.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...