Mạch nguồn của văn hóa dân gian
Thực tiễn cho thấy, đội ngũ nghệ nhân đã phát huy vai trò thông qua các hoạt động trao truyền, bảo tồn giúp cho văn hóa dân gian phát huy sức mạnh nội sinh, lưu truyền tự nhiên trong cộng đồng. Những nét đẹp truyền thống được bảo tồn, phát huy còn góp phần làm nên đặc trưng riêng có của văn hóa người Việt. Tại Lai Châu, nghệ nhân ở khắp các địa phương được ví như những mạch nguồn, giúp dòng chảy văn hóa dân gian thấm đẫm trong cộng đồng, lưu truyền cho thế hệ sau và hòa mình cùng dòng chảy thời đại.
Đặc sắc Tết ngô của người Cống.
Theo đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các nghệ nhân dân gian được ví như những “pho tư liệu sống” về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và thường là người có uy tín trong cộng đồng. Bằng khả năng, tài năng và trách nhiệm với cộng đồng, các nghệ nhân miệt mài truyền dạy, nhờ đó những làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, nghề truyền thống được truyền lại cho lớp người trẻ. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được phát huy, văn hóa dân gian góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các huyện như: Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường, Tân Uyên, Nậm Nhùn, thành phố Lai Châu… phát huy tốt vai trò của nghệ nhân trong lưu truyền, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Với những đóng góp của mình, các nghệ nhân dân gian luôn được cấp ủy, chính quyền, địa phương ghi nhận; cộng đồng tôn vinh.
Nghệ nhân dân tộc Cống của tỉnh Lai Châu giới thiệu trích đoạn Tết Ngô tại ngày hội.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I được tổ chức tại Lai Châu là dịp để nét đẹp văn hóa của 14 dân tộc: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái được hội tụ và lan tỏa. Trong không khí ngập tràn thanh sắc của ngày hội, chúng tôi có dịp trao đổi với nghệ nhân Chảo Văn Sơn (dân tộc Cống) ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) và được biết, nét đẹp văn hóa dân tộc Cống được thể hiện trong trang phục, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ, nghệ thuật diễn xướng và các nghi lễ truyền thống. Trong ngày hội này, ông Sơn và các nghệ nhân dân gian đã trình diễn, giới thiệu trích đoạn Tết Ngô - một trong những lễ hội đặc sắc, phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cống.
Cùng với các nghệ nhân dân tộc Cống, ngày hội còn có sự tham gia của các nghệ nhân dân tộc: Mảng, Si La, Lự của tỉnh. Chuẩn bị công phu, chu đáo, các đoàn nghệ nhân, diễn viên không chuyên đã trình diễn những tiết mục đặc sắc, độc đáo với mong muốn được giao lưu, truyền tải nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Nghệ nhân Lò Văn Pả (dân tộc Lự) ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường) chia sẻ: Người Lự ở Bản Hon vẫn lưu truyền nhiều tập tục, truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng, sinh hoạt và nghệ thuật diễn xướng. Để những làn điệu dân ca, dân vũ được lưu truyền và chuẩn bị cho ngày hội, chúng tôi đã duy trì tập luyện, huy động lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và hội viên phụ nữ tham gia. Tại ngày hội, các tiết mục văn nghệ, trích đoạn lễ hội của đoàn nghệ nhân, diễn viên không chuyên tỉnh ta đã thành công và được sự đón nhận, cổ vũ của khán giả.
Tái hiện nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang.
Thực tiễn cho thấy, đội ngũ nghệ nhân dân gian đã có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhằm tôn vinh các nghệ nhân, nhân dịp này, tỉnh Lai Châu phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gặp mặt các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo ngày hội khẳng định: Các nghệ nhân đã có những đóng góp tích cực, góp phần làm nên thành công của ngày hội. Đồng thời, đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ nghệ nhân trong thời gian qua. Đồng chí cũng mong muốn các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, góp phần lan tỏa những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Dân tộc Rơ Măm tái hiện trích đoạn Lễ hội mở kho lúa của tỉnh Kon Tum.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, các nghệ nhân cùng trao đổi, chia sẻ với tỉnh và một số bộ, ngành trung ương những trăn trở trong hoạt động trao truyền văn hóa; phục dựng lễ hội, duy trì làng nghề. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để mạch nguồn văn hóa dồi dào, nét đẹp truyền thống được truyền lại cho hậu thế, ngoài sự nỗ lực của các nghệ nhân và cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự vào cuộc sát sao của bộ, ngành trung ương.
Như những bóng cả của cộng đồng các dân tộc thiểu số, mạch nguồn văn hóa dân gian và kho tri thức tổng hợp về nét đẹp truyền thống các dân tộc, nghệ nhân dân gian vẫn cống hiến đầy nhiệt huyết. Góp phần sưu tầm, lưu truyền, phục dựng, phát huy nét văn hóa của ngàn xưa cho hậu thế và nâng tầm, tôn vinh văn hóa người Việt.
Nhóm tác giả GRA497_G13
Bình luận