Thứ năm, 28/11/2024, 14:52 [GMT+7]

Sìn Hồ: Phong trào văn nghệ quần chúng góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm

Thứ ba, 21/09/2010 - 02:07'
(BLC) - Qua phong trào văn nghệ quần chúng, nhiều điệu múa truyền thống, bài dân ca ở Sìn Hồ đã được lưu truyền. Cũng từ sinh hoạt văn nghệ mà người dân trong xã, trong bản sống đoàn kết hơn, biết giúp nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống…
Đội văn nghệ bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm (Sìn Hồ) trình diễn lế hội Kiêm Mường trong ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc tại tỉnh Yên Bái.
Xác định được tầm quan trọng của phong trào văn nghệ quần chúng, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sìn Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phong trào này. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc chỉ đạo các phòng, ban của huyện, đặc biệt là Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng đội văn nghệ và thành lập các loại hình câu lạc bộ (CLB) ở các xã, bản như: gia đình phát triển bền vững, không sinh con thứ ba, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế…
Các đội văn nghệ biểu diễn vào các dịp lễ, tết và ngày hội của xã, bản và tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức theo định kỳ hàng năm ở các cụm xã. Thành viên của các CLB, đội văn nghệ thường là những hạt nhân ở cơ sở, trong đó có những nghệ nhân cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, am hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy nhiều bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được gìn giữ cho tới ngày nay. Tiêu biểu như: Lễ hội Kiêng Mường, đám cưới cổ truyền dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm, hay những bản sắc văn hóa của dân tộc Dao ở xã Tả Phìn…
Mỗi CLB, đội văn nghệ được thành lập gồm 10 – 15 thành viên có Ban Chủ nhiệm. Đến với CLB, các thành viên không chỉ sinh hoạt văn nghệ mà được chia sẻ tâm tư, tình cảm khi gặp phải khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để mọi người cùng tìm cách tháo gỡ.
“Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có đội văn nghệ; 82% bản, khu phố có đội văn nghệ và CLB hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, một số xã đã thành lập được đội văn nghệ người cao tuổi, đội văn nghệ thanh niên như các xã: Pa Tần, Chăn Nưa” – đó là lời tâm sự của chị Lâm Thị Bích Hiến, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sìn Hồ với chúng tôi.
Với đặc tính cơ bản của văn nghệ quần chúng là do nhân dân sáng tạo ra và tồn tại cùng đời sống hàng ngày của mỗi người dân nên phong trào văn nghệ quần chúng ở Sìn Hồ luôn nhận được sự quan tâm và nhiệt tình hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất. Nhân dân tích cực ủng hộ tiền xây dựng nhà văn hóa để duy trì hoạt động thường xuyên của các đội văn nghệ và CLB… Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, như Hội thi tiếng hát CNVC-LĐ và lực lượng vũ trang; Tiếng hát người giáo viên nhân dân; Hội thi văn nghệ thể thao theo vùng như: chín xã vùng cao khu vực thị trấn, chín xã vùng Pa Há, năm xã vùng biên giới và dọc sông Nậm Na…
Anh Điêu Văn Ớn, cán bộ văn hóa xã Chăn Nưa, Đội trưởng Đội văn nghệ xã tâm sự: “Từ ngày đội văn nghệ của xã mình được thành lập đến nay thì không chỉ có nam nữ thanh niên trong bản mà còn rất nhiều những người đã có gia đình và cả những người già ở các bản cũng đến xem luyện tập, biểu diễn. Từ đó nhiều điệu múa truyền thống, bài dân ca mà đội văn nghệ không biết đã được những người cao tuổi dạy lại. Cũng từ sinh hoạt văn nghệ mà người dân trong xã, trong bản sống đoàn kết hơn, biết giúp nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống…’’.
Những hoạt động văn nghệ quần chúng đã thắt chặt tình làng nghĩa xóm ở các bản, khu phố. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Chiến Hữu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...