Chủ nhật, 01/12/2024, 09:49 [GMT+7]

Đội cảm tử Fukushima 50

Thứ tư, 23/03/2011 - 14:28'
Đương đầu với nguy hiểm chết người, 180 kỹ sư và chuyên viên là những người cuối cùng còn lại ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Họ có thể là cơ hội cuối cùng cứu Nhật Bản khỏi thảm hoạ.

 

Những người tiếp cận với phóng xạ trong một bán kính nguy hiểm đều được trang bị đồ bảo hộ để có thể chịu đựng được mức phơi xạ cao hơn so với tiêu chuẩn bình thường. Ảnh: Reuters

180 người này được gọi là Fukushima 50, bởi họ sẽ thay nhau không ngừng nghỉ làm nguội các lò phản ứng theo từng ca 50 người. Họ là những người duy nhất còn ở lại nhà máy Fukushima trong khi

750 nhân viên khác đã được sơ tán.

Tối 16.3, họ tự nguyện quay lại nhà máy Fukushima, phơi mình trong môi trường phát xạ nguy hiểm tính mạng ở nhà máy này để ngăn ngừa thảm hoạ. “Chúng tôi không sợ chết”, báo chí Nhật dẫn lời họ. Không ai biết danh tánh của 180 người này. Trên đài truyền hình quốc gia NHK, vợ của một người trong đội cảm tử Fukushima 50 nói bà muốn chồng “làm hết sức mình”. Ông đã gửi cho bà một email, cho biết tình hình nghiêm trọng ra sao và căn dặn bà tự chăm lo vì ông sẽ vắng nhà một thời gian.

Các chuyên viên này đã thoát thân khỏi nhà máy sáng sớm 16.3 sau khi mức phóng xạ lên quá cao. Nhưng họ đã quay lại. Thủ tướng Nhật Naota Kan đã nói với họ: “Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết khủng hoảng này. Không thể nghĩ đến chuyện rút lui”.

Những anh hùng vô danh

Đội cảm tử này sẽ làm việc theo từng ca từ 50 - 70 người. Họ sẽ lao vào nhà máy trong vòng từ 10 - 15 phút để bơm nước biển vào trong lò phản ứng đang bị nung nóng đến mức nguy hiểm, kiểm tra lò và dọn dẹp những đống đổ nát của các vụ nổ trước. Ca khác sẽ luân phiên tiếp sức ngay vì càng phơi lâu trong môi trường phóng xạ càng nguy hiểm đến tính mạng.

Trong mê cung của thiết bị chìm trong bóng tối, những anh hùng vô danh trong bộ đồ bảo hộ phóng xạ màu trắng bọc kín người chỉ được soi đường bằng chiếc đèn pin. Họ hít thở qua bình oxy đeo trên lưng, vừa làm việc vừa nghe ngóng những tiếng nổ khi khí hydro thoát ra từ những vách lòng hư hỏng tiếp xúc với không khí.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, đã nâng mức độ phơi xạ cho phép của mỗi người từ 100 milliSievert lên 250 milliSievert - gấp năm lần mức độ phơi xạ cho phép của nhân viên nhà máy hạt nhân của Mỹ. Sự thay đổi này có nghĩa là các thành viên Fukushima 50 có thể làm việc lâu hơn trong môi trường này. 180 người sẽ thay phiên nhau để bảo đảm họ không bị phơi xạ vượt ngưỡng 250 milliSievert. Họ mang trên người máy đo phóng xạ nên có thể biết đích xác khi nào thì nên tạm dừng.

Giáo sư xạ học Keiichi Nakagawa ở Tokyo, nói: “Họ chẳng khác gì những chiến sĩ quyết tử trong chiến tranh”. Các chuyên gia cho rằng bộ đồ bảo hộ và bình oxy không thể ngăn chặn được các bức xạ vô hình thấm vào cơ thể các chuyên viên cảm tử này. 500 trung tâm cấy tuỷ xương ở 27 nước châu Âu đã được báo động để sẵn sàng điều trị cho họ.

“Ra đi với ý thức sứ mệnh…”

Công ty điện lực Tokyo TEPCO, cơ quan điều hành nhà máy Fukushima, hầu như không nói gì về các nhân viên của mình. Theo TEPCO, năm nhân viên đã chết kể từ vụ động đất hôm 11.3 và 22 người khác bị thương vì nhiều nguyên do trong khi hai người nữa mất tích. TEPCO cũng từ chối công bố danh tánh và thông tin của 180 người tham gia đội cảm tử Fukushima 50.

Hãng tin Jiji Press của Nhật hôm 17.3 cho biết, TEPCO kêu gọi thêm 20 người tình nguyện nữa tham gia khống chế tình hình ở nhà máy Fukushima. Nhiều chuyên viên TEPCO và các nơi khác đã xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm này. Trong số đó có một chuyên viên 59 tuổi với 40 năm kinh nghiệm làm việc cho các nhà máy điện hạt nhân của một công ty điện lực khu vực và chỉ còn sáu tháng nữa là nghỉ hưu.

Thông tin này chưa được TEPCO xác nhận nhưng trên mạng Twitter, một cô gái bày tỏ niềm tự hào lẫn đau khổ khi hay tin người cha sắp về hưu của cô tham gia đội cảm tử Fukushima 50: “Tôi cố ngăn dòng lệ khi nghe cha mình tự nguyện tham gia dù chỉ còn nửa năm nữa thôi là ông về hưu. Ông đã nói: “Tương lai của điện hạt nhân phụ thuộc vào việc chúng tôi xử trí chuyện này như thế nào. Tôi sẽ ra đi với ý thức sứ mệnh…” Tôi tự hào về cha tôi xiết bao”.

Theo chaobuoisang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...