Giống lúa Đắc Ưu nghi bị làm giả xuất hiện ở Lai Châu
Giống nghi bị làm giả xuất hiện
Theo thông tin từ ông Lò Văn Pành, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim (huyện Than Uyên), ngày 21/3 vừa qua, lực lượng Công an kinh tế và Quản lý thị trường đã thu giữ số lúa giống Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả của một đại lý kinh doanh giống vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã. Ngay khi có sự việc, chính quyền địa phương đã có mặt để chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, số lượng lúa giống bị thu giữ cũng như số lượng lúa giống mà đại lý này bán ra ngoài chưa có số liệu cụ thể. Trước sự việc nêu trên, UBND xã cũng đã cảnh báo người dân trên địa bàn không mua lúa giống trôi nổi trên thị trường, tránh việc xuống giống, gieo mạ, cấy lúa mới được phát hiện, gây thiệt hại cho bà con.
Ông Lò Văn Pành cho biết: “Trên địa bàn xã người dân không mua giống lúa Đắc Ưu 11 vì theo cơ cấu giống hằng năm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và xã chỉ đạo các thôn bản để người dân đăng ký theo mùa vụ, theo lịch chỉ đạo thời vụ. Tuy nhiên, giống lúa Đắc Ưu 11 thường được bà con người Mông ở Mù Cang Chải gieo cấy. Chính quyền xã đã tuyên truyền đến người dân các thôn bản ở Mường Kim làm sao mua hàng hóa có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, không mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Để đến khi mất mùa, sản lượng không đạt xã không chịu trách nhiệm về việc đấy. Hiện bà con nông dân trên địa bàn xã tập trung cấy những giống lúa địa phương, giống lúa Séng Cù, giống lúa J02...”.
Giống lúa nghi bị làm giả và giống được Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang phân phối tại Lai Châu.
Qua Zalo, chính quyền xã Mường Kim cung cấp hình ảnh của vụ việc thông tin đến các thôn bản, người dân biết được, đây là thóc giống không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn đang bán trên địa bàn xã, đã bị tịch thu. Được biết, giống lúa Đắc Ưu 11 được Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang phân phối tại thị trường Lai Châu. Đây là giống lúa lai 3 dòng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả không chỉ xuất hiện thị trường huyện Than Uyên mà còn được bán tại thị trường huyện Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, thành phố Lai Châu... Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng lớn giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả đã được cơ quan Công an tỉnh Lai Châu thu giữ.
Ông Đỗ Văn Tính, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Bước đầu xác định có dấu hiệu làm giả về nhãn mác. Còn về giống lúa đang được cơ quan chức năng trưng cầu giám định, hiện chưa có kết luận từ các cơ quan chức năng. Theo phía công ty thì nhãn không phải của đơn vị còn chất lượng bên trong đang được cơ quan chức năng trưng cầu giám định. Cái khó là công ty không công bố rộng rãi về dấu hiệu nhận biết hàng thật hàng giả. Tuy nhiên, thời điểm này, đã thu hồi toàn bộ giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu Đỗ Văn Tính chia sẻ thêm, việc thu giữ bắt đầu từ đại lý ở thành phố Lai Châu sau đó đến các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường... Căn cứ vào hóa đơn chứng từ xuất nhập hàng hóa nên cơ quan chức năng đã thu giữ được toàn bộ số giống lúa này.
Không liên lạc được nhà phân phối
Từ sự việc nêu trên, phóng viên Báo Lai Châu Online tiếp cận với người dân đã mua giống lúa Đắc Ưu 11. Trong đó, có hộ chưa kịp xuống giống song băn khoăn chung của họ là không rõ giống lúa Đắc Ưu 11 đã mua là hàng thật hay giả.
Ông Thào A Chu ở bản Hua Cưởm 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên cho biết: "Giống lúa Đắc Ưu 11 mua từ hôm chủ nhật, 12kg, 140 nghìn đồng một cân. Khoảng tháng 6 mới cấy nhưng có tiền thì mua trước để đấy. Anh trai trồng năm ngoái năm nay nhà mình với trồng giống lúa này. Có thông tin giống lúa này giả cũng lo lắm, phải hỏi lại chứ không biết thế nào".
Người dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên băn khoăn khi trên bao bì ghi số điện thoại Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang đang phân phối tại Lai Châu không gọi được.
Để chắc chắn giống lúa Đắc Ưu 11 đã mua là thật, một số người dân đã chủ động liên lạc với số điện thoại 0240.6252030 trên bao bì sản phẩm. Theo đó, đơn vị nhập khẩu, bảo hành và phân phối giống lúa Đắc Ưu 11 tại Việt Nam ghi trên bao bì là Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang có địa chỉ số 1 Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Tuy nhiên, bất ngờ nhất tổng đài báo "số điện thoại này không đúng, vui lòng kiểm tra lại".
Qua đó cho thấy sự tác trách, mập mờ của đơn vị phân phối giống lúa Đắc Ưu 11 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, khiến người tiêu dùng lúng túng. Ai sẽ chịu thiệt hại cho người nông dân khi không có thông tin phân biệt hàng thật hàng giả?
Ông Thào A Chu, chủ cửa hàng ở xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên chia sẻ, đã có người liên lạc với ông để bán sản phẩm Đắc Ưu 11. Tuy nhiên, vì biết trên thị trường có giống lúa không đảm bảo chất lượng nên ông quyết định không nhập giống này để bán cho bà con.
Để phân biệt giống lúa Đắc Ưu 11 thật hay giả, phóng viên đã được một chủ cửa hàng chia sẻ, sau khi có thông tin vụ giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giải, đại lý cấp 1 của công ty phân phối đã liên lạc với họ và gửi hình ảnh cũng như cách phân biệt vỏ bao bì. Theo đó, "hàng nhái" không được cắt bằng máy nên không có răng cưa; hàng chữ ngày đóng gói "NĐG" được in vào phần màu xanh mép vỏ bao thay vì dán nhiệt màu trắng trên bao bì như hàng công ty.
Bị can Dương Ngọc Duy tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Theo thông tin mới nhất, ngày 29/03/2024 Cơ quan CSĐT (Phòng cảnh sát kinh tế) - Công tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với: Dương Ngọc Duy; sinh năm: 1986; trú tại: Tổ Tân Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang về hành vi: Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng trên 3.000 tấn thóc giống giả. Theo hồ sơ vụ án, Duy từng là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang địa chỉ tại Số 1, Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Giang được giao nhiệm vụ phụ trách phát triển thị trường tại tỉnh Lai Châu, đến cuối năm 2023 thì bị Công ty cho nghỉ việc. Do am hiểu giống F1 Đắc Ưu 11 mà Công ty độc quyền phân phối là loại giống đang được người nông dân Lai Châu ưa chuộng vì là giống ngắn ngày, năng suất cao, khả năng chống chịu bệnh tốt và có giá bán cao tới 140.000 đồng/1kg nên Duy đã nảy sinh ý định làm giả loại lúa giống này để bán kiếm lời. Để thực hiện được hành vi này, từ tháng 1/2024 Duy đã mua 10 tấn thóc bình thường với giá 18.000 đồng/kg, rồi lên mạng internet đặt mua bao bì có hình thức giống với bao bì sản phẩm lúa giống F1 Đắc Ưu 11 của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang độc quyền phân phối. Sau đó Duy mua các máy móc thiết bị như: máy trộn bê tông, máy hàn miệng túi, máy in date cầm tay, cân đồng hồ, thuốc xử lý hạt giống, máy khâu vỏ bao để về thực hiện hành vi làm giả lúa giống. |
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng để làm rõ vụ việc. Qua đây người dân cũng cần cẩn trọng khi mua giống lúa trên thị trường; tránh việc mua phải giống lúa giả, giống kém chất lượng ảnh hưởng đến khi gieo trồng.
Phương Ly
Bình luận