Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Hơn 5 giờ sáng, có mặt tại chợ thị trấn Than Uyên và một số điểm buôn bán nằm rải rác dọc quốc lộ 32, chúng tôi thấy rất nhiều hàng thịt gia súc bày bán. Do huyện chưa xây dựng địa điểm giết mổ tập trung nên tất cả gia súc này được các hộ giết mổ ngay tại nhà, sau đó vận chuyển ra chợ. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan chuyên môn chỉ có thể kiểm tra, đóng dấu khi thịt được bày bán, không thể kiểm soát được quy trình “đầu vào” và quá trình giết mổ gia súc của các tiểu thương. Đặc biệt, từ khi Trạm Thú y sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, cán bộ thú y không còn một số chức năng quản lý chuyên ngành dẫn đến việc kiểm soát giết mổ gia súc rất khó khăn. Xuất phát từ nguyên nhân trên, các sạp thịt gia súc bày bán tự phát và không thường xuyên tại nhà dân, vỉa hè cũng khó kiểm soát liên tục, chặt chẽ.
“Mục sở thị” một số cơ sở giết mổ gia súc nhỏ, lẻ trên địa bàn huyện Than Uyên, hầu hết các cơ sở chưa chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại. Nguyên nhân chính là do phần lớn các cơ sở trên đều có diện tích nhỏ hẹp, nằm xen kẽ trong các khu dân cư nên rất khó trong việc đầu tư, nâng cấp và sửa chữa. Cùng với đó, doanh thu không lớn nên việc bỏ vốn để nâng cấp máy móc càng khó thực hiện.
Anh L.V.N (xã Mường Cang) - một trong những hộ buôn bán lợn, trâu, bò và thực hiện các khâu giết mổ thủ công tại nhà, chia sẻ: “Một tuần trung bình gia đình tôi mổ 4 - 5 con trâu, bò; vào các ngày lễ, tết một ngày có thể mổ 2 - 3 con. Vì số lượng không nhiều nên việc bỏ tiền ra đầu tư nâng cấp đảm bảo đúng quy chuẩn là rất khó. Bởi vậy, tất cả quy trình giết mổ đều được tôi thực hiện thủ công, nước thải cũng xả chung với đường nước thải sinh hoạt của gia đình”.
Hiện nay cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên chỉ có thể kiểm tra và đóng dấu khi thịt gia súc đã được bày bán ra thị trường.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, trên địa bàn huyện hiện có 21 hộ thực hiện giết mổ và buôn bán thịt gia súc. Tính từ đầu năm đến 6/2024, có 4.000 con gia súc (trong đó 3.500 con lợn; 500 con trâu, bò) được các hộ gia đình giết mổ. Để kiểm soát việc giết mổ gia súc, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ thú y hàng ngày đi kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc và đóng dấu khi thịt đã được bày bán theo ủy quyền của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Kiểm (cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên) chia sẻ: “Hiện nay, lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện mỏng nên công tác kiểm soát giết mổ gia súc theo đúng quy định không thường xuyên, liên tục. Trong trường hợp phát hiện vi phạm quy định giết mổ gia súc buộc phải xử phạt cũng rất khó. Bởi việc này thường diễn ra vào sáng sớm (ngoài giờ hành chính), mà lúc này, trách nhiệm xử phạt thuộc về chính quyền địa phương, chúng tôi chỉ nhiệm vụ hỗ trợ về chuyên môn. Do đó, phần nào gây nhiều trở ngại cho cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc”.
Để từng bước tháo gỡ những bất cập trong hoạt động giết mổ gia súc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của hoạt động giết mổ gia súc đối với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, dừng hoạt động các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện theo quy định. Thiết thực hơn vẫn là cần xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung để việc kiểm soát giết mổ, kinh doanh gia súc và phòng, chống dịch bệnh được kịp thời. Ngoài ra, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm gia súc có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, quy trình rõ ràng và thông tin đến lực lượng chức năng khi phát hiện các điểm giết mổ có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, mới kiểm soát được việc giết mổ gia súc cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ánh Hồng
Bình luận