Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế
Toàn tỉnh có 171ha hoa hồng, trong đó, 2 xã: San Thàng, Sùng Phài, 2 phường: Quyết Thắng, Đông Phong (thành phố Lai Châu) có 81,05ha; các xã: Giang Ma, Hồ Thầu, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường) 63,4ha; thị trấn Sìn Hồ và xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) 25ha; thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) 1,5ha. Phần lớn diện tích do các tổ chức, cá nhân ở các tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… thuê đất của người dân để trồng.
Trước khi triển khai trồng, các hộ thực hiện ký cam kết có liên quan đến các nội dung như: quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong doanh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; phân bón được phép sản suất kinh doanh, không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phân tươi) để bón cho hoa. Cùng với đó là xây dựng các bể chứa; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn do lượng phân bón sử dụng trong sản xuất hoa hồng gấp nhiều lần với những cây trồng khác. Thuốc BVTV phun định kỳ nhiều hơn so với trồng lúa, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Để tăng cường quản lý sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất hoa hồng, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo quản lý môi trường trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển diện tích trồng hoa hồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng ban hành công văn tăng cường quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và cơ quan chuyên môn, một số địa phương đã có chủ trương dừng mở rộng diện tích trồng hoa hồng.
Các hộ trồng hoa hồng trên địa bàn thành phố Lai Châu chấp hành cam kết về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Thành phố Lai Châu là địa phương có diện tích trồng hoa hồng lớn nhất trong tỉnh. Nhận thức rất rõ về tính “2 mặt” của việc trồng hoa hồng, UBND thành phố đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, trong đó yêu cầu việc trồng hoa hồng phải gắn với thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai cũng như bảo vệ môi trường. Gần nhất là tháng 4/2023, UBND thành phố ban hành công văn thực hiện quy định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Theo đó, yêu cầu cơ quan chuyên môn và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các xã, phường tham mưu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đề án phát triển sản xuất hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Đối với chính quyền cơ sở tuyệt đối không để các hộ tự ý chuyển đổi cây trồng trên đất lúa khi chưa có sự đồng ý của chính quyền.
Làm rõ việc này, chị Dương Thị Nhài - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Phòng thường xuyên phối hợp với các cơ quan kiểm soát chặt chẽ thực hiện cam kết của các cơ sở trồng hoa về việc tuân thủ liều lượng thuốc BVTV trong ngưỡng cho phép. Đồng thời, không cho phép mở rộng diện tích trồng hoa hồng phía khu vực gần nguồn nước. HĐND thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch giám sát việc trồng hoa hồng trên địa bàn.
Song song với đó, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành ký cam kết không sử dụng phân gà chưa qua xử lý, thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hộ trồng hoa hồng đã chấp hành tương đối tốt theo các nội dung đã cam kết; một số hộ chủ động thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng...
Đối với Sở Tài nguyên - Môi trường, đã tổ chức quan trắc chất lượng môi trường tại một số vị trí đã được phê duyệt. Theo đó, tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt tại các vị trí: suối khu vực bản Chin Chu Chải, Lùng Than (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) qua xã Thèn Sin và suối Tà Lèng, điểm phía dưới khu vực trồng hoa hồng tại xã Giang Ma (huyện Tam Đường); quan trắc chất lượng đất tại ruộng trồng hoa hồng khu vực bản Lùng Than và ruộng bản Bãi Bằng (xã Bản Giang). Kết quả quan trắc chất lượng môi trường năm 2022 và các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2023 cho thấy: chất lượng môi trường nước mặt và chất lượng đất tại các khu vực này vẫn nằm trong giới hạn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh. Chưa phát hiện các thông số vượt quy chuẩn cho phép.
Mặc dù kết quả là vậy, song tỉnh vẫn không buông lỏng công tác quản lý. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV lần thứ 17 diễn ra ngày 21/11 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ cũng chỉ đạo nghiêm việc tăng cường quản lý trồng hoa hồng, làm sao để giữ sạch nguồn nước sinh hoạt và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng là mong muốn, nguyện vọng của nhân dân để giữ lấy môi sinh nguyên vẹn.
Thu Trang
Bình luận