Chủ nhật, 01/12/2024, 09:06 [GMT+7]

Phía sau lời “từ hôn” của nữ sinh lớp 8

Thứ hai, 01/04/2024 - 10:36'
Ở một số bản vùng cao nơi người dân tộc Mông cư ngụ, hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đeo bám dai dẳng, thế nhưng chưa có nhiều phụ nữ mạnh dạn phản kháng, bảo vệ mình. Cho đến khi thầy, cô giáo Trường THCS Hố Mít (huyện Tân Uyên) nhận được lá thư cầu cứu của Thào Thị V. (học sinh lớp 8 của trường).

“Chết còn hơn lấy chồng bây giờ”
Đây là một câu trong lá thư cầu cứu của em Thào Thị V. (bản Thào, học sinh lớp 8, Trường THCS Hố Mít) gửi các thầy, cô giáo để được can thiệp việc bị gia đình bắt lấy chồng sớm. Đáng bàn hơn khi người mà gia đình lựa chọn lại chính là cậu họ của V.; 2 nhà ở cùng bản, cách nhau chỉ một con suối. Em V. sinh năm 2010, năm nay mới 14 tuổi; người cậu họ sinh năm 2007 (hơn V. 3 tuổi). Nội dung lá thư của V. làm nhói tim bậc cha, mẹ; gieo nên những nỗi xót thương cho các thầy, cô giáo và cả sự trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương.
V. đi học cách nhà 10km nên nhà trường bố trí ở nội trú, thứ 2 em xuống trường và cuối tuần về thăm nhà. Lá thư cầu cứu này được viết sau khi nhà trường đã can thiệp, vận động gia đình cho em tiếp tục đi học sau đợt nghỉ tết Nguyên đán 2024. Những lời em nói trong thư giống như tia sáng lấp lánh giữa bầu trời mù sương, bởi tháng năm im lìm trôi qua, chưa bao giờ trên những bản người Mông có người phụ nữ nào dám dũng cảm nói ra điều ấy.
Nói như vậy là bởi theo chị Giàng Thị Mang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hố Mít, phụ nữ Mông lớn lên từ bản và sướng khổ, buồn vui cũng chỉ xung quanh nơi này; an phận, cam chịu với cuộc sống, không có ước mơ, khát khao lớn hơn. Chỉ cần đến tuổi cập kê là lấy chồng, sinh con; có chồng con, có ruộng, có nương làm ra hạt thóc, hạt ngô là đủ ấm no cả đời… Họ không có giới hạn của sướng hay khổ, hạnh phúc hay đau buồn, không than phiền, kêu ca, so đo tính toán… Cuộc sống của họ bao nhiêu cũng là đủ và đó có phải là hạnh phúc?

Tổ công tác liên ngành của xã Hố Mít tuyên truyền, vận động gia đình tiếp tục cho em V. đi học và không kết hôn sớm, kết hôn cận huyết.

Thông tin từ chính quyền xã, mẹ của Thào Thị V. sinh năm 1992 (32 tuổi), bố sinh năm 1991 (33 tuổi). Như vậy, khi mẹ sinh V. cũng chỉ tầm tuổi em bây giờ hoặc hơn một chút và chưa đủ tuổi kết hôn. Mẹ V. muốn con gái theo chân mình, còn bà nội lại càng muốn vun đắp cho em sớm thành vợ chồng với cậu của mình hơn. Phần là vì sợ em mải mê chuyện học hành, quá tuổi sẽ không ai lấy; phần khác sẽ thương nhau hơn vì là anh em trong nhà và của cải sẽ không mất đi đâu. Từ quan điểm ăn sâu đó, nên đời đời, kiếp kiếp, những người phụ nữ ở bản vùng cao mãi chỉ biết “ưng cái bụng” là theo bạn trai kéo về nhà làm dâu.
Hệ lụy từ tảo hôn
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết những năm trước, trên địa bàn xã có 2 cặp vừa tảo hôn, vừa cận huyết. Một cặp là con của chị gái lấy con của em gái (bản Thào); 1 cặp là con của anh trai lấy con của em gái (bản Tà Hử). Những cặp này đã từng sinh con nhưng chỉ một thời gian ngắn thì con chết và một trong 2 cặp sinh một con nhưng sức khỏe yếu và bị suy sinh dưỡng. Đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã giảm so với nhiều năm trước, nhưng năm 2023, trong 24 cặp vợ chồng lấy nhau vẫn có tới 12 cặp tảo hôn, từ đầu năm đến nay có 1 cặp tảo hôn/4 cặp vợ chồng lấy nhau. Do lứa tuổi của các “ông bố”, “bà mẹ” bất đắc dĩ chưa hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý, cộng với quan hệ cận huyết nên tỷ lệ thấp còi của trẻ trên địa bàn xã chiếm 23%, tỷ lệ trẻ không đảm bảo cân nặng chiếm 22%. Song, có lẽ đây chỉ là con số báo cáo, còn thực tế, có thể cao hơn.
Nạn tảo hôn bao năm qua vẫn là vấn đề nhức nhối khiến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tốn rất nhiều thời gian, công sức can thiệp. Quan điểm cho con lấy vợ/chồng sớm đã có trong tiềm thức của đồng bào. Họ muốn các con sớm yên bề gia thất để ổn định cuộc sống; lấy vợ để có thêm lao động phụ giúp công việc gia đình, đồng áng và sinh con nối dõi tông đường. Thế nên có những em học sinh còn đeo khăn quàng trên vai, chưa phải là đoàn viên đã bị giục lấy chồng; có những người chừng 40 tuổi đã lên chức “bà”, chức “ông”. Thêm vào đó, mạng xã hội phát triển rầm rộ, bố mẹ cho con sử dụng điện thoại thông minh sớm nên các em chỉ cần kết bạn, tìm hiểu yêu đương qua nhắn tin, thấy thích nhau, dù chưa có tình yêu nhưng đã muốn theo về ở cùng. Chính những chóng vánh nông nổi đó, nhiều chị em lập gia đình, về ở với nhau nhưng tình yêu không nảy nở, sinh con rồi nhưng sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con đi làm thuê hoặc biệt xứ không về.

Lá thư cầu cứu của em Thào Thị V. gửi cô giáo Trường THCS Hố Mít.



Hậu quả tảo hôn nếu xử lý đúng theo quy định của pháp luật thì những cá nhân liên quan sẽ phải đối mặt với nhiều mức độ xử phạt khác nhau. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có hệ lụy rất lớn đó là khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những tác nhân có hại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội. Do đó, pháp luật hiện hành quy định chế tài xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm hoặc có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Để chấm dứt được vấn nạn này đối với đồng bào dân tộc Mông nói chung, ở Hố Mít nói riêng trong thời gian ngắn có lẽ là điều không tưởng. Anh Bùi Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít - người “nằm lòng” địa bàn và quá thông thuộc tập tục, thói quen của bà con nơi đây cũng xác nhận: Xã có tỷ lệ đồng bào Mông cao, chiếm tới 97%, việc tảo hôn giống như đến mùa thì lúa trỗ đòng đơm bông, cây ngô trưởng thành thì ra bắp vậy. Bố mẹ trước đây tảo hôn nên không thể răn dạy, giáo dục đầy đủ cho con để thấy được tác hại của việc lấy vợ, chồng sớm. Ngoài ra, do biết sự can thiệp, ngăn cản của chính quyền, các gia đình tìm cách né tránh, giấu việc các con đi lại với nhau. Thay vì bắt vợ, kéo vợ như trước thì nay họ lẳng lặng để các con về ở với nhau không thông báo cho những người xung quanh. Sau khi làm hết các thủ tục theo phong tục người Mông mới mời anh em họ hàng và đến nhà gái ra mắt. Hoặc khi tổ công tác liên ngành của xã phát hiện thì bố mẹ cho biết các cháu chỉ đến chơi nhà, nhưng theo dõi một thời gian, các bé gái đã có thai nên việc can thiệp xử lý là vô cùng khó.
Khi nội dung lá đơn của em Thào Thị V. được thông tin rộng rãi thì nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể tích cực phối hợp với nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an vào cuộc gỡ khó. Khi các lực lượng đến nhà làm công tác tư tưởng, mẹ của V. cho biết sẽ không can thiệp vào chuyện yêu đương, hôn nhân của con mình. Trước đó, dịp sau tết Nguyên đán, gia đình cũng đã từng ký vào bản cam kết không bắt con gái nghỉ học ở nhà lấy chồng.
Với quan điểm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…, ngày 22/12/2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy lùi những thói quen, quan điểm quá lỗi thời, cũ kỹ của một bộ phận người dân. Trong đó có việc xóa bỏ nạn tảo hôn, bảo vệ bình quyền phụ nữ để hướng tới cuộc sống văn minh trong thế giới hiện đại.
Nghị quyết số 15-NQ/TU hướng đến mục tiêu chung nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần xây dựng văn hóa và con người Lai Châu tiên tiến, mang đậm bản sắc giá trị truyền thống các dân tộc trong tỉnh, tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Luật ban hành đã rõ, nghị quyết cũng đã được tỉnh thông qua và xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, rất mong chính quyền, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần mạnh mẽ áp dụng chế tài của pháp luật, địa phương để những quan niệm, phong tục xưa cũ lạc hậu, lỗi thời, cản trở bước tiến văn minh nhân loại không còn cơ hội tồn tại trong xã hội ngày nay. 

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...