Chủ nhật, 01/12/2024, 09:24 [GMT+7]

Đẩy mạnh phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Thứ sáu, 29/09/2023 - 21:16'
(BLC) - Hiện bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố Lai Châu, nhất là sau thời điểm học sinh tựu trường. Ngành Y tế thành phố và các cơ quan, đơn vị trường học đã và đang đẩy mạnh biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Lai Châu, từ trung tuần tháng 9 tới nay, trên địa bàn ghi nhận số người mắc bệnh đau mắt đỏ do virus gia tăng. Đặc biệt bệnh xuất hiện và lây lan nhanh ở các trường học. Qua công tác giám sát, theo dõi nắm tình hình, bệnh đau mắt đỏ khởi phát với 2 chùm ca bệnh tại Trường Mầm non Bình Minh (phường Quyết Tiến) với 14 học sinh và Trường Mầm non Hoa Ban (phường Quyết Thắng) với 10 học sinh. Đến nay, bệnh đau mắt đỏ xảy ra rải rác tại các trường: Tiểu học Quyết Thắng, Tiểu học số 2, Mầm non Sao Sáng, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Đoàn Kết… Tính đến thời điểm này, thành phố Lai Châu ghi nhận 82 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân được xác định do vi rút gây ra.

1

Phòng chống bệnh đau mắt đỏ, việc khử khuẩn môi trường được các trường thực hiện thường xuyên trong thời gian này.

Bác sỹ Giang Thị Loan - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - tư vấn và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Y tế thành phố: Sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở y tế và UBND thành phố Lai Châu về việc tăng cường phòng chống bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh đau mắt đỏ và các bệnh truyền nhiễm. Đơn vị chủ động phối hợp với các Trạm Y tế đến các trường học để giám sát công tác phòng chống bệnh đau mắt đỏ, nhất là tại các Trường Mầm non Bình Minh và Hoa Ban. Lập danh sách các cháu học sinh bị đau mắt đỏ, tư vấn cho gia đình đưa con em đi khám và điều trị theo đơn của bác sỹ. Tư vấn cho nhà trường cách phòng tránh, xử lý môi trường, phòng học, chăn màn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tại Trường Mầm non Hoa Hồng, trước cửa các lớp đều treo tờ hướng dẫn về cách phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ. Từ khi xuất hiện dịch đau mắt đỏ, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chị Đinh Hải Thương, nhân viên y tế nhà trường chia sẻ: tất cả những học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đều được nhà trường cho nghỉ học để tiện cho việc điều trị và tránh lây lan. Hàng ngày các cháu đến trường được các cô hướng dẫn cách nhận biết bệnh đau mắt đỏ, thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Sau mỗi buổi học kết thúc, các giáo viên đều thực hiện khử khuẩn bề mặt bàn ghế và đồ chơi, các vật dụng cá nhân như khăn mặt, cốc nước trước khi sử dụng.

1

Giáo viên, nhân viên y tế Trường Mầm non Hoa Hồng (thành phố Lai Châu) hướng dẫn học sinh lớp mẫu giáo nhỡ cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ.

Để phòng chống bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với UBND các xã phường, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng tại cộng đồng dân cư với hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với nếp sống sinh hoạt, lao động của nhân dân trên địa bàn như: tuyên truyền qua loa đài phát thanh, nhóm zalo tổ dân phố, nhóm zalo các bậc phụ huynh tại trường học để người dân hiểu được kiến thức cơ bản nhất kịp thời phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.

Bà Nguyễn Thị Bưởi ở tổ 6, phường Quyết Tiến hồ hởi nói: nhờ được tổ dân phố thông báo, tuyên truyền trong nhóm zalo nên gia đình tôi mới biết được hiện nay xuất hiện dịch đau mắt đỏ. Từ đó tôi và các thành viên trong gia đình có biện pháp phòng tránh bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như của gia đình và cộng đồng.

Trước diễn biến của bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng, có thể lây lan bùng phát, đặc biệt là ở các trường có nguy cơ lây lan cao như: Mầm non Sao sáng, Hoa Hồng, Đoàn Kết, do đó Trung tâm Y tế thành phố khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần phòng chống; người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Hạn chế đến nơi đông người, sử dụng đồ cá nhân riêng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nếu có dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế khám và điều trị không được chủ quan tự điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần vệ sinh mắt mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, nước nhỏ mắt natri clorid 0,9%. Bệnh đau mắt đỏ nếu không được điều trị kịp thời đúng phương pháp sẽ ảnh hưởng đến giác mạc gây suy giảm thị lực, tổn thương mắt.

Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của các cấp,ngành, đơn vị và nhân dân, bệnh đau mắt đỏ sẽ được giám sát chặt chẽ trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Dương - Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...