Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Than Uyên - Tân Uyên chúng tôi được biết, Chi cục đã triển khai ứng dụng CNTT trong kê khai nộp thuế, kiểm tra thuế, phân tích rủi ro, lập kế hoạch kiểm tra hàng năm, kiểm tra trước bạ phương tiện ôtô, xe máy. Ngoài ra, đơn vị cũng ứng dụng nhiều phần mềm để trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên ngành chống thất thu thuế; khai thác thông tin từ các tổ chức tín dụng, đại diện chủ đầu tư, tài khoản thuế trong quá trình thanh toán vốn.
Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, truy, thu và chống thất thu thuế được triển khai rộng khắp, bài bản, Chi cục Thuế khu vực Than Uyên - Tân Uyên tổ chức tập huấn các phần mềm, ứng dụng quản lý thuế; cập nhật thông tin cho 33 cán bộ của chi cục và các cơ sở kinh doanh, đơn vị cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, Chi cục thực hiện lắp đặt, đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng mạng internet, máy tính có kết nối mạng tại các bộ phận chuyên môn. Sau quá trình chạy thử nghiệm, tới thời điểm này mạng lưới CNTT phục vụ hoạt động của ngành Thuế đã hoạt động hiệu quả.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Than Uyên - Tân Uyên hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai, nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn gặp một số khó khăn. Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 100 hộ tiểu thương, kinh doanh, khối lượng hàng hóa tiêu thụ trong ngày không lớn, chủ yếu là bán lẻ. Do đó, việc xuất hóa đơn điện tử lại trở thành trở ngại trong quá trình kinh doanh. Mặc dù đã qua các đợt tập huấn, nhưng trình độ CNTT của các đơn vị, cá nhân kinh doanh còn chưa đồng đều khiến cho việc ứng dụng công nghệ trong thực hiện kê khai, nghĩa vụ thuế gặp khó. Trước tình hình trên, Chi cục cử cán bộ kịp thời hỗ trợ về công nghệ. Anh Phạm Văn Sơn, cán bộ Chi cục Thuế khu vực Than Uyên - Tân Uyên chia sẻ: Khi các cá nhân, tổ chức nộp thuế gặp vướng mắc, gọi điện yêu cầu hỗ trợ, tôi và các đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp. Nhờ đó, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế dần đi vào nề nếp, quy củ.
Ứng dụng CNTT qua phần mềm TMS, cấp mã số thuế cho các đơn vị kinh doanh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đây là giải pháp mang tính đột phá để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; giảm gặp gỡ trực tiếp giữa cán bộ thuế và người có nghĩa vụ nộp thuế, tính thuế đảm bảo tính chính xác cao. Chị Lê Thị Tuyến, hộ kinh doanh ở khu 1, thị trấn Than Uyên, cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu kinh doanh tổng hợp, lượng khách đông, công việc khá bận rộn. Trước đây, mỗi kỳ nộp thuế, tôi phải đóng cửa hàng để tới trụ sở cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và thường phải chờ đợi. Điều này mất khá nhiều thời gian, hàng quán phải đóng cửa ảnh hưởng tới doanh thu của cửa hàng. Nhưng giờ đã khác, chỉ cần dùng máy tính, điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, mọi công việc liên quan tới thủ tục thuế đều được giải quyết nhanh, chính xác.
Với sự nỗ lực của ngành Thuế và sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân trong ứng dụng CNTT, ngành Thuế đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ kinh doanh, doanh nghiệp được cấp mã số thuế đạt cao, thu thuế được tiến hành thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức và nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của các tổ chức, cá nhân. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt gần 15 tỷ đồng. Quản lý thuế được thắt chặt, đảm bảo công khai, minh bạch.
Để tiếp tục có những đột phá của công nghệ trong thời gian tới, Chi cục Thuế khu vực Than Uyên - Tân Uyên tiếp tục tham gia xây dựng kho cơ sở dữ liệu về thuế, đẩy mạnh hỗ trợ CNTT đối với tổ chức, cá nhân nộp thuế. Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa quản lý nội bộ ngành Thuế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng công việc.
Bùi Chiến
Bình luận