Thứ năm, 28/11/2024, 14:45 [GMT+7]
"Đòn bẩy" đưa văn hóa - du lịch Lai Châu phát triển lên tầm cao mới

Bài 5: Bức tranh du lịch ngày càng khởi sắc

Thứ sáu, 15/11/2024 - 14:39'
(BLC) - Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh đã đưa du lịch tỉnh Lai Châu ngày càng khởi sắc, lượng du khách ngày càng nhiều, doanh thu từ du lịch ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đưa Lai Châu thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của các tỉnh Tây Bắc.

* Bài 4: Đưa văn hóa-du lịch Lai Châu đến với bạn bè bốn phương

Được ví như nàng tiên đẹp dịu dàng ẩn mình bên núi, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là bản dân tộc Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Bản có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thác trái tim, thác tình yêu; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Người dân trong bản vẫn giữ được nét nguyên sơ của dân tộc Mông từ nếp nhà đến tập quán sinh hoạt, phương thức canh tác. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của bản rất lớn, người dân nơi đây đã đoàn kết cùng nhau làm du lịch cộng đồng.

Việc phát triển du lịch của bản Sin Suối Hồ được đẩy mạnh hơn khi HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết 59, cùng với sự kết hợp của các nguồn lực khác, bản được tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông đến bản nên số lượng khách đến bản ngày càng tăng. Vào những dịp cao điểm lễ, tết như 30/4 hay 2/9 các homestay hay nhà nghỉ cộng đồng du khách phải đặt lịch trước.   

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân, năm 2023, bản Sin Suối Hồ đã đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân bản Sin Suối Hồ nói riêng và của cả tỉnh Lai Châu nói chung và góp phần tạo đà cho du lịch của bản cũng như của tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển.

Niềm tự hào đã biến thành nguồn động lực để người dân bản Sin Suối Hồ ngày càng đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, phong cách phục vụ và các điều kiện khác, đặc biệt là chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn. Từ khi bản Sin Suối Hồ đã đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 lượng du khách đến với bản ngày càng đông hơn, góp phần làm tăng thu nhập của người dân.

Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Thời gian qua, bản Sin Suối Hồ đã chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên du khách đến bản rất thích và giới thiệu cho bạn bè cùng đến đây ngày càng nhiều. Phát huy những thành quả đã đạt được, bản tiếp tục xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Có thể nói Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu như một luồng sinh khí mới, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ các giá trị văn hóa đặc sắc. Các địa phương đã lựa chọn, có định hướng cụ thể hỗ trợ xây dựng các bản có văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để thu hút du khách ngày càng nhiều hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu. Khi đến với Lai Châu du khách sẽ được hoà mình vào không gian văn hóa, du lịch của dân tộc Mông gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp ở bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao (nhóm ngành Dao đầu bằng) gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, chinh phục đỉnh Putaleng) ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Giáy theo hướng du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng ở bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Thái bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa ở bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Lự gắn với bản sắc văn hóa độc đáo ở bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường).

Những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của các bản này được bảo tồn như lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, kỹ thuật tạo hình trang phục, ẩm thực, sưu tầm hiện vật… Đến nay, đã có 13/13 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ) cư trú thành cộng đồng được bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã quan tâm sưu tầm, xây dựng 30 bộ sưu tập hiện vật (3 bộ sưu tập/dân tộc) với 3.221 hiện vật các loại phục vụ công tác trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch của 10 dân tộc cư trú thành cộng đồng đó là Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Lào, Lự, Giáy, Kháng, Mông, Khơ Mú. Các hiện vật được sưu tầm chủ yếu gồm: Trang phục, trang sức; công cụ và sản phẩm nghề thủ công truyền thống; công cụ, dụng cụ thực hành phong tục và tín ngưỡng tốt đẹp, trò chơi dân gian của các dân tộc:

Tỉnh đã quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một; nghiên cứu, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, đã xây dựng hồ sơ khoa học tri thức dân gian, ẩm thực dân tộc Thái xã Mường So, huyện Phong Thổ và Trường ca “Xa Nhà ca” dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các hoạt động này vừa góp phần lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vừa góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Lai Châu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, môi trường cho ngành công nghiệp văn hoá, du lịch văn hoá phát triển; chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Lai Châu gắn với du lịch, dịch vụ.

Bằng những việc làm cụ thể, cho đến thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng nhiều và tốc độ tăng trưởng cao.

So với các tỉnh khác thì mức doanh thu trên là bình thường nhưng so với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Lai Châu thì đó là con số “ấn tượng”, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh. Doanh thu từ du lịch đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2021 tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 44,4 triệu đồng, 9 tháng năm 2024 ước đạt 55,8 triệu đồng (tăng 11,4 triệu đồng so với năm 2021), góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Việc thực hiện Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có được kết quả đó là do, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết và được cử tri trên địa bàn toàn tỉnh tích cực ủng hộ, thực hiện.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 59, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết với các chương trình mục tiêu quốc gia, các kết luận, đề án khác nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đã đề ra một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Lai Châu đã tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện nghị quyết, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

Không chỉ đối với việc ban hành, giám sát việc thực Nghị quyết 59, thời gian qua, HĐND tỉnh Lai Châu luôn phát huy vai trò quan trọng của mình theo Điều 113 của Hiến pháp năm 2013 gồm: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân” (1). Qua đó, HĐND tỉnh Lai Châu đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển giàu mạnh.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã từng bước đi vào cuộc sống, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

(1) Theo Điều 113 của Hiến pháp năm 2013. 

(Hết)

Kim Anh - Văn phòng UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...