Cảnh báo bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Có mặt tại Khoa nhi, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh tiêu chảy, trong đó không ít bệnh nhân mới vài tháng tuổi. Anh Sùng A Sèng (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) tỏ rõ sự mệt mỏi sau nhiều ngày chăm sóc con gái trong viện. Anh Sèng kể: “Ngày 1/3, đi làm nương về thấy con gái lớn Sùng Thị Dí (hơn 4 tuổi) đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có màu đỏ, gọi con không nói được, tôi lo quá vội đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị tiêu chảy và yêu cầu nhập viện điều trị. Sau 4 ngày, bệnh giảm nhiều và sức khỏe của cháu cơ bản ổn định”.
Bác sĩ Khoa nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám cho bệnh nhân Lý Thị Hà.
Trường hợp cháu Lý Thị Hà (9 tháng tuổi) con anh Lý A Tùng (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) nhập viện ngày 28/2 được các bác sỹ đánh giá là một trong số những ca mắc tiêu chảy nặng. Khi nhập viện, Hà có biểu hiện đi ngoài nhiều, nôn, mất nước nặng, liệt ruột, bụng trướng căng, tinh thần lờ đờ, dịch dạ dày bẩn. Bác sỹ nhanh chóng hướng dẫn gia đình làm các xét nghiệm, đặt xông hậu môn và kê đơn điều trị. Sau 5 ngày điều trị liên tục, sức khỏe cháu Hà dần ổn định và ăn uống tốt.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 2 tháng (11, 12/2018), số lượng bệnh nhân nhi nhập viện điều trị do tiêu chảy không nhiều (dưới 20 bệnh nhân/tháng). Tuy nhiên, từ đầu tháng 1 đến ngày 4/3, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Trong đó, tháng 1 là 58 bệnh nhân; tháng 2: 44 bệnh nhân; 4 ngày đầu tháng 3: 6 bệnh nhân, độ tuổi chủ yếu từ 7 - 13 tháng. Nguyên nhân dẫn do virút rota và rối loạn tiêu hóa từ thức ăn.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng Khoa nhi cho biết: “Những năm trước, thời điểm sau tết nguyên đán, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng mới có trẻ bị tiêu chảy. Riêng năm nay, thời tiết nóng sớm hơn, sự chênh lệch về nền nhiệt giữa ngày và đêm lớn, tạo điều kiện cho các loại virút gây tiêu chảy bùng phát. Ngay trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã có trẻ nhập viện điều trị tại Khoa do tiêu chảy. Về sau, số lượng càng tăng. Điều đáng nói là không chỉ trên địa bàn thành phố Lai Châu mà còn từ các huyện: Phong Thổ, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Tam Đường chuyển tuyến lên điều trị”.
Chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân bị bệnh tiêu chảy, Khoa nhi đã phân công bác sỹ trực 24/24 giờ. Mỗi kíp trực ngoài 1 bác sỹ còn có 3 điều dưỡng. Điều động thêm 17 giường từ các khoa khác, nâng tổng số giường bệnh tại Khoa lên 97 giường, đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép.
Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa thường gặp, song nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm trẻ mất nước nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Trong tháng 2/2019, trên địa bàn thành phố có 1 trẻ tử vong ngoại viện do tiêu chảy. Theo khuyến cáo ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh tiêu chảy cho con bằng cách: ăn chín, uống sôi, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không quá nhiều đạm; thường xuyên vệ sinh nhà ở, đồ chơi của trẻ; rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chế biến thức ăn cả trước, sau khi ăn.
Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy nên đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp, không cho trẻ đến lớp tránh lây sang các bạn. Cần đặc biệt quan tâm đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy vì ở tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được. Ở trẻ lớn hơn, cho đi khám bác sỹ ngay nếu có một trong những dấu hiệu nguy hiểm: mất nước, mệt mỏi, lừ đừ, đau bụng nhiều, quấy khóc liên tục. Trẻ ngủ nhiều, khó đánh thức, phân có máu, tiêu chảy vẫn không hết sau 7 ngày. Trẻ nôn ói nhiều mặc dù đã cho uống nước chậm, ít, thường xuyên. Trẻ không chịu ăn uống trong khi vẫn còn tiêu chảy và nôn ói nhiều…
Thanh Hoa
Bình luận