Thứ năm, 28/11/2024, 14:46 [GMT+7]
Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống bệnh AIDS (1/12)

Cộng đồng sáng tạo, quyết tâm chấm dứt bệnh AIDS

Thứ sáu, 01/12/2023 - 11:33'
So với trước đây, nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS đã dồi dào hơn; sự phân biệt, kỳ thị của xã hội với những người mang căn bệnh này cũng giảm nhiều. Với những thuận lợi đó, ngành Y tế tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan nỗ lực để không người nhiễm HIV/AIDS nào phải ở lại phía sau.

Chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện từ các bác sỹ, cán bộ y tế kể về những nỗ lực mang thuốc đến với những người nhiễm HIV. Mục đích là để họ có thể kéo dài thời gian khỏe mạnh, sống và làm việc, lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Tuy nhiên, hành trình ấy không nhẹ nhàng, thảnh thơi mà gian nan vất vả ít ai nhìn thấy.
Theo như lời bác sỹ Vũ Thị Thu Hiền - Phó trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (KSBT), nhằm hạn chế tình trạng bỏ điều trị của những người nhiễm, hằng năm, các y, bác sỹ của trung tâm phối hợp với trung tâm y tế (TTYT) các huyện, trạm y tế xã, phường thực hiện các đợt ra quân về cơ sở thu dung bệnh nhân. Theo đó, cán bộ y tế phải đến từng nhà người nhiễm HIV để tư vấn, vận động họ trở lại điều trị, bởi nếu bỏ trong thời gian dài, người nhiễm HIV sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS rất nhanh. Khi ấy, sức đề kháng của người bệnh giảm và yếu dần, không thể chống chọi với các loại virus gây bệnh khác. Vậy nhưng, để gặp được cũng rất khó vì phần đa họ phải đi lao động sản xuất. Qua trao đổi, người bệnh nào cũng muốn được điều trị liên tục nhưng điều kiện không cho phép.
Hiện nay, việc cấp thuốc điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) chuyển qua nguồn thẻ bảo hiểm y tế (thay vì phát miễn phí như trước đây), người nhiễm HIV phải về TTYT huyện nhận thuốc, trong khi đường xa, đi lại vất vả nên cũng không đảm bảo được lượng thuốc để duy trì. Đã có 195 trường hợp bỏ điều trị trong gần 1 năm qua. Hiện, vẫn còn 368 người nhiễm HIV còn sống chưa được điều trị (chiếm 23,2%). Nguyên nhân do họ không tiếp cận được với chương trình hỗ trợ vì đi làm ăn xa dài ngày, sợ lộ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng.

Người nhiễm HIV nhận thuốc điều trị tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh.

Theo thông tin từ Trung tâm KSBT tỉnh, năm 2023, dịch HIV/AIDS xuất hiện ở 100% đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố của tỉnh và 97% xã phát hiện có người nhiễm. Số nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023 là 70 người (năm 2022 là 73 người). Nếu tính tích lũy từ năm 2001 đến nay, Lai Châu có tổng cộng 3.325 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó chỉ có 1.158 bệnh nhân đang điều trị ARV và có tới 1.921 người đã tử vong từ đầu dịch. Mặc dù vậy, nhờ các giải pháp can thiệp giảm thiểu tử vong nên tỷ lệ chết/100.000 dân chỉ có 2 người. Theo biểu đồ số người nhiễm HIV mới khoảng 8 năm trở lại đây cho thấy, từ năm 2015 số nhiễm HIV mới là 237 người nhưng năm 2023 chỉ còn 70 người. Con số giảm dần đều qua các năm và tỷ lệ nam mắc bệnh HIV nhiều hơn nữ.
Để có được sự chuyển biến mạnh mẽ như vậy, Lai Châu đã khai thác và tận dụng tối đa Dự án Quỹ toàn cầu (QTC) phòng, chống HIV/AIDS. Riêng trong các năm 2021-2023, Dự án QTC đã hỗ trợ 15 đồng đẳng viên nhóm nghiện chích ma túy tham gia thực hiện hoạt động can thiệp giảm tác hại ở các địa bàn điểm nóng về ma túy. Cấp phát 715.341 bơm kim tiêm sạch qua mạng lưới đồng đẳng viên ma túy, nhân viên y tế thôn, bản; có khoảng 800 người nghiện chất ma túy được tiếp cận. Song song với đó, phát 284.646 bao cao su cho đối tượng vợ, chồng người nhiễm, người nghiện chích ma túy; vợ, chồng, bạn tình người nghiện chích ma túy, cơ sở dịch vụ giải trí. Đến ngày 31/10, đã triển khai hoạt động chăm sóc và điều trị ARV cho 1.166 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại 100% các địa bàn trong tỉnh (đạt 95% so với kế hoạch).
Song song với đó, các cơ sở y tế tổ chức tốt điều trị dự phòng từ lây truyền mẹ sang con. Đã có 11 trẻ mà mẹ có HIV nhưng sinh ra có kết quả âm tính (qua 3 lần xét nghiệm). Ngoài ra, các lực lượng cũng phối hợp và tăng cường xét nghiệm cho đối tượng nghiện, mại dâm tại các cơ sở trên địa bàn. Thành lập trang mạng xã hội facebook “Tự xét nghiệm HIV Lai Châu” cho những ai ngại tiếp xúc với cơ sở y tế. Đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm KSBT tỉnh cũng thành lập và ra mắt cơ sở cấp phát thuốc methadone (chất điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện) tại xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) phục vụ người dân. Đây là xã có trên 300 người nghiện, ngay sau khi ra mắt, cơ sở đã tiếp nhận 67 bệnh nhân đăng ký nhận thuốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: Công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện đang được sự quan tâm của tỉnh, trung ương và chính quyền địa phương tuyến cơ sở. Nguồn lực ngoài dự án quốc tế, ngân sách của tỉnh đang bố trí cho nhiều nội dung hoạt động như: giám sát xét nghiệm HIV, điều trị và mua thuốc methadone. Trong đó tập trung ưu tiên vào 4 lĩnh vực chính: can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm điều trị methadone và ARV; giám sát phát hiện và xét nghiệm HIV.
Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Lai Châu không ngừng đặt ra mục tiêu giảm số người nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do AIDS, trong đó phấn đấu sẽ chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Mục tiêu đó sẽ không khó, bởi không cán bộ y tế nào muốn để bệnh nhân AIDS ở lại phía sau, mà quan trọng, chính những người đang mang trong mình virus HIV mới là rào cản cho mục tiêu đó. Mong rằng với sự giúp sức đắc lực của Dự án Quỹ toàn cầu, Lai Châu sẽ sớm xóa được bệnh AIDS trong cộng đồng và không còn là nỗi lo chuyển giai đoạn cho người nhiễm HIV.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...