Cử tri bức xúc với điện và xăng dầu
Nhân viên cửa hàng giặt số 64 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM bên những chiếc máy giặt bị ngưng hoạt động do cúp điện (ảnh chụp ngày 28-9). |
Báo cáo này được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 1-10.
Không đồng tình với cắt điện
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết theo kiến nghị của cử tri và qua giám sát cho thấy trong những năm qua, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Công thương và ngành điện lực đã có rất nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả, nhưng lĩnh vực hoạt động điện lực còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể giá điện, giá bán lẻ điện sinh hoạt chưa đảm bảo nguyên tắc chỉ hỗ trợ cho người nghèo.
Trên thực tế, tất cả khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều áp dụng chung một biểu giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang như quy định hiện hành chưa khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, cụ thể là chênh lệch mức giá giữa các bậc thang chưa hợp lý, đặc biệt ở bậc thang cao nhất (từ 400kWh/tháng trở lên) mức chênh lệch không đáng kể so với bậc thang liền trước, chưa có văn bản quy định về khung giá phát điện theo quy định của Luật điện lực làm căn cứ cho việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua bán điện giữa các đơn vị phát điện với Tập đoàn Điện lực VN...
Một tồn tại, hạn chế khác được Ban Dân nguyện chỉ ra là việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2010 còn chậm, mới đạt 74% nguồn điện. Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng với tốc độ cao, trong khi việc đầu tư phát triển nguồn điện chậm, nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn (34,2%) trong cơ cấu nguồn điện, việc sản xuất ra nguồn điện này phụ thuộc vào thời tiết, trong khi năm nay thời tiết diễn biến thất thường, khô hạn kéo dài nên sản lượng điện của các nhà máy thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng.
Do thiếu nguồn phát điện dự phòng nên vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu điện vào mùa khô. Cử tri không đồng tình với việc cắt điện, ngừng, giảm mức cung cấp điện mà không thông báo trước; chưa bảo đảm luân phiên, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện, thiếu thống nhất giữa các địa phương trong những lúc thiếu điện.
Theo ông Trần Thế Vượng, dù đã có văn bản quy định về trình tự, thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện nhưng lại chưa có quy định cụ thể về tiêu chí xác định khách hàng sử dụng điện quan trọng, tiêu chí ưu tiên và thứ tự ưu tiên cung cấp điện khi thiếu điện. Điều này dẫn đến các đơn vị điện lực và UBND địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc cắt điện, trong việc ưu tiên, hạn chế cung cấp điện khi xảy ra thiếu điện...
Sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bất cập
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, từ khi lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (năm 2009) đến ngày 30-7-2010 đã trích lập trên 3.600 tỉ đồng, các doanh nghiệp sử dụng gần 1.050 tỉ đồng vào việc bình ổn giá, hiện còn gần 2.570 tỉ đồng tồn trong tài khoản của các doanh nghiệp.
Ông Trần Thế Vượng nói: “Theo ý kiến của một số doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng quỹ thì việc lập, quản lý, sử dụng, hạch toán quỹ này hiện có nhiều bất cập, vướng mắc. Tổng công ty xăng dầu Quân đội cho rằng mục đích hình thành quỹ là giúp ổn định về giá nhưng việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá, mà lại tác động tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tích tụ một số vốn từ quỹ này để giảm vốn vay, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu. Cử tri kiến nghị xem xét, bãi bỏ quỹ vì cho rằng dù khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm 300-500 đồng/lít để đưa vào quỹ, trong khi đó việc quản lý, sử dụng quỹ này cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ này như thế nào thì không rõ”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận