Hương cốm Tà Hừa
Từ tháng 10 đến giữa tháng 11, thời tiết bắt đầu chuyển mùa từ cuối thu sang đầu đông, đây là khoảng thời gian mà ở các bản Cáp Na 1, Cáp Na 2, Cáp Na 3 - xã Tà Hừa nhộn nhịp hơn với tiếng cười, nói chuyện râm ran hoà cùng tiếng chày giã gạo.
4 giờ sáng, khi màn đêm vẫn bao trùm bản làng, chúng tôi thức dậy cùng các thành viên trong gia đình ông Quàng Văn Sơn, bà Tòng Thị Xương ở bản Cáp Na 1 chuẩn bị các dụng cụ như: liềm, giỏ, bung… để ra đồng cắt lúa mang về làm cốm vì lúa nếp phải được gặt vào sáng sớm, khi trên bông lúa vẫn còn đọng lại những giọt sương thì cốm mới dẻo, ngon.
Khác với gặt lúa chín, lúa nếp làm cốm được lựa chọn kỹ càng hơn. Bà Xương cho biết, nếp làm cốm thì phải chọn bông lúa xanh to, hạt mẩy đều, chỉ ngắt phần bông lúa chứ không gặt dài để đỡ vất vả lúc mang về và khi tuốt thủ công bằng tay. Lúa được bó thành từ bó nhỏ, xếp gọn gàng vào trong giỏ, bung.
Được biết, Tà Hừa là địa phương duy nhất của huyện Than Uyên cấy dòng lúa nếp tan pỏm, chỉ cấy vào vụ mùa ở các bản Cáp Na 1, Cáp Na 2, Cáp Na 3. Vì thế, gạo nếp tan pỏm đã trở thành thương hiệu gạo đặc sản của Than Uyên, đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mỗi năm, xã vận động nhân dân 3 bản gieo cấy 60ha lúa nếp tan pỏm làm vùng nguyên liệu để cung cấp gạo ra thị trường; trong đó có 15ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Khai thác lợi thế này, dưới sự định hướng của cấp uỷ, chính quyền địa phương, 2 năm nay, nhiều hộ dân 3 bản tích cực làm cốm bán. Qua đó, không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản ngon mà còn giúp các hộ tăng thu nhập, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ở địa phương.
Tuy nhiên để làm ra sản phẩm cốm từ nếp tan pỏm không hề dễ dàng; phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Chị Quàng Thị Nhung - Con gái bà Xương chia sẻ: những bông lúa nếp xanh được mang từ ngoài đồng về, sau đó được tuốt thủ công bằng tay rồi đem lên chảo gang rang cho chín. Lúc rang thì phải đảo thật nhanh tay, lửa phải to và đều. Đảo đến khi nào hạt thóc ngả từ màu xanh sang màu vàng nhạt, toả ra hương thơm là được. Thóc chín đổ ra nia, mẹt cho nguội, tiếp đó đem đi giã bằng cối đá.
Khi giã phải đều chân, nhẹ nhàng theo nhịp, nếu giã lực mạnh hơn, hạt cốm sẽ bị nát, không ngon, màu cốm không đẹp. Luôn có một người túc trực bên cối đưa tay đảo thóc từ dưới đáy cối lên, như vậy hạt cốm được tách vỏ đều, không bị dính vào nhau - ông Sơn cho biết.
Những hạt thóc khi giã xong, mang ra sàng sảy sạch sẽ. Sau lớp vỏ màu vàng được tách, những hạt cốm tươi non hiện ra thật đẹp mắt. Theo lời chia sẻ của bà con trong bản, để cốm ngon, dẻo hơn thì phải giã thêm một lần nữa, rồi sàng sảy lại. Thành phẩm cuối cùng là những hạt cốm thơm lừng, dẻo ngon, ngọt bùi như gói trọn tinh hoa đất trời Tà Hừa. Để khi thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Giữa tháng 10 vừa qua, xã Tà Hừa đã tổ chức lễ hội cốm với chủ đề: “Tan Pỏm - Hương vị đất trời, tình người Tây Bắc” nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cốm ngon địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo động lực để các hộ dân thi đua làm cốm ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao thu nhập.
Được biết, 3 bản Cáp Na 1, Cáp Na 2, Cáp Na 3 có hơn 20 hộ làm cốm bán; trong đó chỉ có 10 hộ làm cốm bán suốt mùa khi thời điểm bông lúa còn xanh. Riêng gia đình ông Quàng Văn Sơn là hộ làm nhiều nhất, trung bình mỗi ngày khoảng 50kg cốm gửi cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. 2 năm nay, mỗi vụ, gia đình ông Sơn bán được gần 1 tấn cốm tươi, với giá từ 100.000 đồng -120.000 đồng/kg.
Dù vất vả một chút vì cốm làm cầu kỳ lại bằng thủ công nhưng đổi lại người dân có thêm niềm vui, bởi cốm tan pỏm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Bà con tăng thêm thu nhập, khi giá cốm cao gấp 3-4 lần so với bán gạo nếp như hiện nay. Trung bình, mỗi vụ, các hộ làm cốm thu lãi từ 20-60 triệu đồng.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận