Thứ tư, 04/12/2024, 16:44 [GMT+7]

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Thứ sáu, 29/11/2024 - 11:08'
(BLC) - Những năm qua, công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được Tỉnh đoàn Lai Châu triển khai sâu rộng và ngày nâng cao về chất lượng. Nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp của thanh niên được hình thành, phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định nội dung hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thi đua công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các cấp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại các địa bàn trên toàn tỉnh, Diễn đàn đối thoại, trưng bày giới thiệu sản phẩm thanh niên, tham quan học tập mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Thông qua đó, góp phần tạo dựng cầu nối giữa các doanh nghiệp với các bạn đoàn viên, thanh niên trong vấn đề việc làm, tìm hiểu thị trường lao động, học tập, từ đó định hướng cho mình con đường khởi nghiệp, lập nghiệp trong tương lai.

5

Mô hình nho của ĐVTN xã Hua Nà (huyện Than Uyên) cho thu nhập cao.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên Lai Châu” khuyến khích thanh niên Lai Châu sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp thu hút 23 tác giả, nhóm tác giả ý tưởng tham gia. Hỗ trợ các ý tưởng xuất sắc về các thông tin khoa học kỹ thuật, cách thức xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ... Từ đó, nhiều dự án khởi nghiệp, ý tưởng táo bạo của thanh niên đã hình thành và được hiện thực hóa, trở thành những mô hình tiêu biểu như mô hình trồng chanh leo tại xã Mường Than, trồng hoa hướng dương phục vụ du lịch tại bản Thẳm Phé, xã Mường Kim, trồng dâu tây tại xã Dào San, nho hạ đen tại xã Hua Nà, nuôi cá lồng trên lòng hồ tại xã Ta Gia (huyện Than Uyên)…

Chú trọng việc khơi gợi, tìm kiếm và khai thác ý tưởng trong thanh niên, coi đây là khâu đột phá, tiền đề cho sự thành công của các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã có 718 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp được đề xuất và đoàn hỗ trợ hiện thực hóa 138 ý tưởng giá trị làm lợi trên 1.650 triệu đồng; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 22.485 lượt đoàn viên, thanh niên, giới thiệu việc làm cho 3.815 lượt đoàn viên, thanh niên.

56

Sản phẩm chè và mật ong của HTX Thanh niên Sin Chải, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ.

Phát huy vai trò của Tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh cung cấp những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, kịp thời giúp thanh niên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ trên internet để giới thiệu cho thanh niên tham gia như các nhóm: chợ đầu mối nông sản toàn quốc, chợ các địa phương…

Các huyện, thành đoàn chỉ đạo đoàn các cấp thành lập trang fanpage; giúp thanh niên tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người tiêu dùng. Hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp tham gia các kênh bán lẻ, các kênh phân phối có sẵn. Xây dựng gian hàng thanh niên theo đặc thù địa phương, trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của thanh niên. Đã có 14 sản phẩm thanh niên được đề xuất và tham gia sàn thương mại điện tử, 4 sản phẩm đã tham gia sàn thương mại điện tử: thịt, cá sấy, chè, gạo. Đây là bước đầu tạo tiền đề để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 45 sản phẩm OCOP của 23 chủ thể được chứng nhận 3 sao do thanh niên làm chủ, chiếm 22% so với tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.

Hiện có trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế trị giá từ 100 triệu đồng trở lên với các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và mô hình kinh doanh, dịch vụ. Các mô hình chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ với tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 50 - 200 triệu đồng/năm. Đã có 44 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên được thành lập và bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả, tổng doanh thu, thu nhập bình quân thành viên đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng (trong đó tổ chức Đoàn hỗ trợ, thành lập 27 mô hình)… Các mô hình kinh tế của thanh niên đã góp phần giải quyết, tạo việc làm thường xuyên có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động; tham gia tích cực vào hoạt động phúc lợi xã hội góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh. 

Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, Tỉnh đoàn đã ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Phúc An HP và Công ty TNHH ECO FOOTPRINT, hình thành vùng sản xuất ớt lai F1 Red Devil gần 30ha, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho đoàn viên, thanh niên, hợp tác xã thanh niên trên địa bàn huyện Tân Uyên, Than Uyên. Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tỉnh đoàn Lai Châu với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại điện tử Bkap (Bkap Ecom) về “Hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá và tiêu thụ sản các phẩm OCOP”, kết quả ký kết hợp đồng với 04 Hợp tác xã thanh niên, tiêu thụ các sản phẩm OCOP thanh niên tại thị trường trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, qua các phong trào, chương trình Tỉnh đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của thanh niên các dân tộc trong tỉnh. Các mô hình kinh tế của thanh niên đã góp phần giải quyết, tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiệt huyết với công tác hội
Ở xã Mường So (huyện Phong Thổ), ông Vàng Văn Sủ được biết đến là Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) nhiệt huyết, gương mẫu trong công tác và đời sống. Với những cống hiến của ông Sủ đã góp phần...