Hỗ trợ trẻ sinh non bằng phương pháp Kangaroo
Khi mang thai được 32 tuần, chị Vàng Thị Si ở bản Huổi Pết (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) thấy bụng đau dữ dội, ra huyết âm đạo, gia đình nhanh chóng đưa chị đến Trung tâm Y tế huyện và sinh bé gái nặng 2kg, được đặt tên là Vàng Linh Phương. Do sinh non nên cháu Phương có nhiều vấn đề về sức khỏe như: vàng da, viêm phổi. Do đó, Trung tâm Y tế huyện chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Nhập viện, cháu Phương được bác sỹ khám và điều trị vàng da, viêm phổi; chỉ định sử dụng phương pháp Kangaroo. Sau gần 10 ngày điều trị, sức khỏe của cháu đã ổn định và được xuất viện.
Vừa qua, khoa Nhi tiếp nhận cháu Sùng A Mông (nặng 1,5kg) ở xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) được Trung tâm Y tế huyện Than Uyên chuyển lên. Cháu Mông nhập viện trong tình trạng sức khỏe rất yếu, suy hô hấp, tím đầu chi... Các bác sỹ phải cho bệnh nhân thở qua CPAP ( thở áp lực dương liên tục) nhằm hỗ trợ hô hấp, truyền dịch nuôi dưỡng và ăn sữa mẹ sớm qua ống thông dạ dày. Cùng với đó, lựa chọn phương pháp Kangaroo để bệnh nhân cảm nhận hơi ấm của mẹ, bù đắp cho những ngày phải rời bụng mẹ sớm. Sau 19 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân Mông cải thiện tốt, đã lên cân, tự thở và bú được sữa mẹ.
Thấy sức khỏe con đang tốt lên từng ngày, chị Giàng Thị Sài (mẹ cháu Mông) xúc động nói: “Rất may, con tôi được các bác sỹ điều trị kịp thời và lựa chọn phương pháp Kangaroo. Được ôm con vào lòng, nghe tim của mình và con cùng đập thấy thiêng liêng, gắn bó vô cùng. Bây giờ, tôi không thể diễn tả cảm giác hạnh phúc chỉ biết cảm ơn các y, bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu rất nhiều”.
Trẻ sinh non được thực hiện phương pháp Kangaroo với mẹ.
Hiện nay, mỗi năm khoa Nhi tiếp nhận khoảng 500 trẻ sơ sinh, trong đó trẻ sinh non tháng chiếm từ 45 - 50%. Việc điều trị và chăm sóc trẻ sinh non tháng, nhẹ cân gặp nhiều khó khăn bởi bệnh lý phức tạp mà sức đề kháng yếu, các cơ quan đều chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là hệ hô hấp và tuần hoàn. Gần 3 năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đẩy mạnh triển khai phương pháp Kangaroo tại khoa Nhi. Theo đó, tất cả trẻ ngay sau được sinh ra, nhất là những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân đều được áp dụng phương pháp này.
Bác sỹ chuyên khoa I Bùi Thị Hoài - Phó trưởng Khoa Nhi cho biết: Trước đây khi chưa áp dụng phương pháp Kangaroo, những em bé sinh non tháng (dưới 37 tuần hoặc cân nặng dưới 2,5kg) thường tách trẻ ra khỏi người mẹ để chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp, thì nay được khuyến khích sử dụng phương pháp Kangaroo. Sử dụng phương pháp này trẻ thường ngủ yên, ít khóc, chu kỳ ngủ được điều chỉnh phù hợp và kiểm soát được thân nhiệt nhờ nhiệt độ của người mẹ hoặc người đang thực hiện phương pháp Kangaroo cùng trẻ. Bên cạnh đó, trẻ tránh được những cơn ngừng thở sinh lý, giúp điều hòa nhịp tim, hỗ trợ sự phát triển của não bộ, tránh tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh, trào ngược dạ dày, thực quản. Còn người mẹ sau sinh khi áp dụng phương pháp Kangaroo sẽ mang lại nhiều lợi ích như: có thêm sự tự tin, giảm lo lắng, sợ hãi khi chăm sóc con, thắt chặt mối liên kết mẫu tử, kích thích tăng tiết sữa, giảm trầm cảm sau sinh, giúp co hồi tử cung nhanh và giảm xuất huyết sau sinh. Thời gian gần đây, khoa Nhi đã điều trị thành công nhiều bé sinh non tháng từ 27 - 28 tuần tuổi, cân nặng dưới 1kg. Đây cũng là kết quả có ý nghĩa lớn đối với địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Lai Châu.
Tuy nhiên để giảm tình trạng trẻ bị sinh non, bác sỹ Hoài cũng khuyến cáo: Khi mang thai, các bà mẹ chú ý chăm sóc sức khỏe cho bản thân và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để con phát triển khỏe mạnh. Tránh ăn những thực phẩm có nguy cơ gây ra sinh non, nhất là với những trẻ có cân nặng dưới 1kg, khi hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn vẫn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, với những phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non hoặc từng có tiền sử sinh non nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên và tiêm thuốc trưởng thành phổi từ tuần 24 đến tuần thứ 34. Khi trẻ sinh non, nhẹ cân cần thực hiện phương pháp Kangaroo ngay và để càng lâu càng tốt, thậm chí là tối đa 24/24 giờ. Còn với trẻ sơ sinh thông thường, khuyến khích thực hiện da tiếp da bất cứ lúc nào có thể, nhất là những lúc trẻ quấy khóc, khó chịu. Trong quá trình thực hiện phương pháp Kangaroo cần theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, màu da, phân, nước tiểu, cân nặng và các chỉ số phát triển của trẻ để kịp thời phát hiện bất thường và có biện pháp can thiệp.
Ánh Hồng
Bình luận