Thứ năm, 28/11/2024, 18:18 [GMT+7]

Khởi sắc giáo dục vùng khó ở Tân Uyên

Thứ sáu, 12/04/2019 - 11:58'
(BLC) - Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Đề án), ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Uyên tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học chuyển biến tích cực, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Trước khi thực hiện Đề án, huyện Tân Uyên có 5/10 xã đặc biệt khó khăn gồm: Mường Khoa, Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít. Toàn huyện có 21 trường/298 lớp/7.489 học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục của huyện đạt được những thành quả nhất định. Hệ thống trường, lớp học, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, quy mô mạng lưới trường lớp, chất lượng học sinh, cơ sở vật chất vùng đặc biệt khó khăn của huyện (khu vực III) chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, tỷ lệ phòng kiên cố, bán kiên cố thấp (60,1%), phòng tạm, nhờ chiếm tỷ lệ cao (39,9%), các phòng chức năng, phòng học bộ môn thiếu so với nhu cầu; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt thấp, đặc biệt là tỷ lệ huy động học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 chỉ đạt 37,19%; 1/22 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Trước những thách thức, khó khăn đặt ra, nhiệm vụ tiên quyết là các đơn vị trường quy hoạch mạng lưới trường lớp, ổn định nhân sự, tổ chức các trường, xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường phối hợp với địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục đến các cấp, ngành, Nhân dân. Ban hành kế hoạch, chuyên đề về giáo dục, trong đó có kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn”. Hằng năm, UBND các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu về giáo dục vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức triển khai, thực hiện đạt hiệu quả.

Đội ngũ giáo viên là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện khảo sát, phân loại, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên thông qua việc xây dựng và thực hiện chuyên đề dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Riêng năm học 2017-2018, Phòng tổ chức 25 lớp tập huấn chuyên môn cho trên 1.050 giáo viên tham gia. Đối với giáo viên có điểm kiểm tra năng lực dưới 5 điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức, trong 2 năm học, Phòng tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng về chuyên môn tại Sở đối với giáo viên cấp THCS, bồi dưỡng chuyên môn tại trường đối với ngành học mầm non và tiểu học. Nhờ vậy, chất lượng giáo viên từng bước nâng lên, bước đầu nắm vững quy trình dạy học từ xác định mục tiêu, xây dựng nội dung chương trình, lập kế hoạch dạy học tới biên soạn tài liệu dạy học.

Chị Bùi Thị Lan - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Uyên cho biết: “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, Phòng chỉ đạo các nhà trường tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh trước năm học mới để nâng cao chất lượng đầu vào các khối lớp. Đổi mới phương pháp dạy học gắn với dạy học theo đối tượng vùng miền, bồi dưỡng dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời, tăng cường tiếng Việt cho học sinh, duy trì áp dụng các mô hình dạy học tích cực: mô hình trường học mới VNEN; dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”; dạy học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục. Làm tốt công tác huy động học sinh khối 3, 4, 5 ở điểm trường lẻ về trung tâm học với 836/1.882 học sinh”.

Giờ học toán của cô trò lớp 1A1 trường PTDTBT Tiểu học xã Hố Mít, huyện Tân Uyên

Giờ học toán của cô - trò lớp 1A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hố Mít.

Ngoài ra, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện còn thực hiện tốt công tác bán trú. Năm học 2018 – 2019, toàn huyện có 6 trường phổ thông dân tộc bán trú (3 trường tiểu học, 3 trường THCS) với 2.241 học sinh bán trú. Công tác nuôi dưỡng học sinh đảm bảo, đủ phòng ở và các trang thiết bị phục vụ ăn nghỉ. Các đơn vị trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện năng khiếu, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động trồng rau, chăm sóc cây xanh.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Sỏ là điển hình nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt từ 86% trở lên, tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn là 97,8%, học sinh có học lực khá giỏi đạt 30,6%, tỷ lệ chuyển lớp đạt 100%. Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới hoạt động tổ chức dạy học phù hợp với nhận thức của học sinh như: tạo không khí lớp học nhẹ nhàng, giáo viên gợi mở, dẫn dắt tìm hiểu kiến thức theo lối gần gũi, dễ hiểu, khuyến khích động viên học sinh yếu tự tin tham gia học tập. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh đến lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Thực hiện Đề án, số học sinh khá giỏi nhà trường ngày càng tăng lên, học sinh yếu giảm; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS đạt 100%”.

Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt đội ngũ cán bộ, nhà giáo, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục các trường vùng khó của Tân Uyên nâng lên rõ rệt. Có 21/36 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, nhiều trường có sự chuyển biến, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với các trường vùng II như: tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên nâng lên.

Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn (bậc THCS đứng thứ 2 toàn tỉnh về tổng số giải và số giải nhất). Huyện được công nhận xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng đội ngũ ngày càng nâng cao (129/632 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh). Huyện có 10 trường đạt chuẩn Quốc gia, riêng cấp THCS đứng đầu tỉnh. Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học đạt 88,6%. Những thành quả này đang góp phần nâng cao chất lượng giáo huyện Tân Uyên nói riêng và ngành Giáo dục - Đào tại tỉnh nói chung.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...