Chủ nhật, 01/12/2024, 08:06 [GMT+7]

Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên ở Mường Tè: Tiến độ chậm

Thứ hai, 20/09/2010 - 15:19'
(BLC) - Việc triển khai xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng thấp ở huyện Mường Tè đã hoàn thành được khoảng 90% kế hoạch. Bước vào năm học 2010 – 2011, việc thực hiện đề án mới hoàn thành được 86/454 phòng học và nhà ở cho giáo viên.
Theo Quyết định số 980/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, huyện Mường Tè được phân bổ dự toán đầu tư 92,04 tỷ đồng theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng 454 phòng học cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện dẫn đến chậm tiến độ. 

Nhu cầu

Nhiều năm nay, điểm trường bản Xà Hồ, xã Pa Ủ (Mường Tè) vẫn phải học trong những lớp học tạm.
Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Mường Tè đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần vào thực hiện thắng lợi nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, như duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS… Cùng với đó, hàng năm số lượng học sinh tăng khoảng 8%, kéo theo là nhu cầu về cơ sở hạ tầng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên cũng tăng.
Ông Trương Quốc Hoàn – Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 628 phòng học, nhà công vụ cho giáo viên là phòng tạm được làm bằng tranh tre, nứa lá. Trong khi tiến độ thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên chậm, nhiều nhà được xây dựng trước đó đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, khiến nhu cầu ngày càng tăng!
Năm học 2009 – 2010, chúng tôi có mặt ở rất nhiều điểm trường bản vùng cao trong huyện và chứng kiến nhiều phòng học, nhà ở tạm bợ của thầy và trò các nhà trường. Nhiều lớp học có tới hơn 20 học sinh phải học tập trong phòng tạm được dựng bằng vài cột gỗ nhỏ, lợp mái tranh. Bàn ghế là những mảnh ván, cây tre ghép lại. Xung quanh tường là những phên nứa hoặc mảnh bạt căng chắp vá để che mưa, nắng.
Nằm cách trung tâm huyện Mường Tè hơn 20km, nhiều năm qua, việc thiếu nhà ở cho giáo viên đã gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của các thầy, cô Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ. Nằm ngay bên vệ đường liên xã là những dãy nhà tạm tranh tre, nứa lá. Để ổn định cuộc sống, vào đầu các năm học, các thầy cô thường bỏ ra từ 4 – 5 triệu đồng để thuê người dân địa phương lên rừng lấy tre, nứa về dựng nhà. Trong ngôi nhà tạm của mình, cô Đặng Thị Tuyết – giáo viên Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết: ‘’Em từ tỉnh Thái Bình lên đây công tác từ năm 2005. Bám trụ được ở vùng đất này để đem cái chữ dạy cho con em địa phương là sự nỗ lực lớn trong nhiều năm qua. Để giảm bớt khó khăn, giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, chúng em rất mong huyện sớm đầu tư xây dựng nhà ở cho giáo viên để chúng em yên tâm công tác”. 

Tiến độ thực hiện đề án chậm

Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác, từ năm 2002 đến nay, huyện Mường Tè đã xây dựng được 659 phòng học, 224 phòng ở cho giáo viên, 89 phòng ở nội trú học sinh và 41 phòng làm việc chức năng khác. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi dốc, việc vận chuyển nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, suất đầu tư thấp khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc tham gia đấu thầu.
Ông Lý Công Hậu – Phó Giám đốc Ban QLDA huyện Mường Tè cho biết: Việc triển khai xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng thấp trong huyện đã hoàn thành được khoảng 90% kế hoạch. Bước vào năm học 2010 – 2011, việc thực hiện đề án mới hoàn thành được 86/454 phòng học và nhà ở cho giáo viên!
Trong khi việc thiếu phòng học cho học sinh và nhà ở cho giáo viên chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, hiện Ban QLDA huyện đang gặp rất nhiều khó khăn về suất đầu tư khi triển khai ở các điểm trường bản vùng cao thuộc các xã như: Tà Tổng, Thu Lũm, Mù Cả, Pa Ủ.
“Theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Chính phủ, suất đầu tư được quy định 60 triệu đồng/1 phòng nhà công vụ và 110 triệu đồng/1 phòng học. Xét thực tế ở địa phương, UBND tỉnh gia hạn suất đầu tư cho huyện là dưới 500 triệu đồng/1 phòng học. Thực tế hiện nay đối với các điểm trường bản ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa có đường giao thông như khu vực Bắc Ka Lăng và một số bản của xã Pa Ủ, Tà Tổng, muốn thi công được, các nhà thầu phải vận chuyển nguyên vật liệu từ 25 – 30km theo đường mòn, khiến suất đầu tư cho một phòng học đội lên”.  – ông Hậu cho biết.
Theo quyết định của UBND tỉnh, mục tiêu của đề án là xây dựng phòng học kiên cố để xóa phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại cho ngành học mầm non và các cấp học; đồng thời đáp ứng đầy đủ nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh. Việc thực hiện đề án được ưu tiên cho các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Thực tế việc thiếu phòng học, nhà ở cho giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện Mường Tè là vấn đề cấp thiết từ nhiều năm học, đặc biệt là ở các điểm bản vùng sâu, vùng xa, trong khi tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Câu hỏi đặt ra là khi đề án kết thúc vào năm 2012, liệu số phòng học, nhà ở cho giáo viên có đáp ứng đủ nhu cầu?
BOX: Đề án thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2002 chủ yếu theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Mục tiêu thực hiện của Đề án là đến cuối năm 2003 sẽ cơ bản xóa bỏ tình trạng học 3 ca và đến năm 2005 không còn lớp học tạm. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tháng 2/2008 Chính phủ tiếp tục cho thực hiện đề án giai đoạn II (2008 – 2012). Tỉnh ta được phê duyệt đầu tư xây dựng 1.432 phòng học, 772 (18.528m2) phòng nhà ở công vụ cho giáo viên.

 

Khắc Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...