Mồ Sì San xây dựng nông thôn mới
Về thăm xã Mồ Sì San – một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn nơi biên giới huyện Phong Thổ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Những ngôi nhà xây mới khang trang xuất hiện ngày càng nhiều; đường bê tông trải dài đến các ngõ bản; điện lưới về từng hộ gia đình…
Một góc trung tâm xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ).
Để có được kết quả này là sự nỗ lực của cấp uỷ đảng, chính quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện từng tiêu chí NTM theo phương châm “Tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”. Gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, phát huy nội lực trong Nhân dân để hoàn thành tiêu chí trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến hàng chục nghìn ngày công, trên 14.000m2 đất làm đường giao thông trong bản, đường ra khu sản xuất; các hội, đoàn thể của xã còn chú trọng vận động hội viên, đoàn viên hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.
Cụ thể như: hội nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của hội phụ nữ”; đoàn thanh niên có phong trào “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; Mặt trận Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”…
Xã Mồ Sì San có 4 bản, trên 540 hộ dân, chủ yếu là người Dao đỏ sinh sống. Tính đến năm 2021, xã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang lại cho xã diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc. Trong đó, gần 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 85% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các bản có đường bê tông cứng hoá thuận lợi đi lại; thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm…
Tuy vậy, xã vẫn còn 8 tiêu chí chưa đạt, bao gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hoá, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, giáo dục, y tế, môi trường. Đây là các tiêu khó thực hiện nhất ở Mồ Sì San. Bởi lẽ, xuất phát điểm của xã rất thấp, trong khi đó, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế; đất sản xuất nông nghiệp ít, canh tác manh mún, nhỏ lẻ; tỷ lệ hộ nghèo cao (hiện còn 78,25%).
Để đạt được các tiêu chí còn lại của chương trình xây dựng NTM, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác lợi thế, tiềm năng tập trung phát triển kinh tế với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như: sâm Lai Châu, 7 lá 1 hoa, địa lan, cây ăn quả.
Song song với đó, các hộ dân trong xã tích cực cấy lúa, trồng ngô nhằm đảm bảo lương thực; xen canh tăng vụ trồng rau màu; phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng hàng hoá. Đặc biệt, khuyến khích bà con bảo vệ rừng, bảo vệ vùng chè cổ thụ; thu hái chè cổ thụ bán cho hợp tác xã Biên Cương để nâng cao thu nhập.
Người dân bản Tân Séo Phìn (xã Mồ Sì San) phát triển trồng Sâm Lai Châu, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện tại, xã đang chỉ đạo, đôn đốc Nhân dân chăm sóc tốt và chuẩn bị điều kiện thu hoạch 177ha lúa mùa; chăm sóc và bảo vệ 55ha cây thảo quả, hơn 34ha cây ăn quả, 0,555ha cây dược liệu; chủ động phòng chống dịch trên đàn vật nuôi gần 4.000 con.
Từ nay đến hết năm 2022, xã tranh thủ nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đạt thêm tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ dân từ các nghị quyết, đề án của Trung ương, tỉnh, huyện nhằm nâng cao thu nhập lên 21,5 triệu đồng/người/năm.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và đồng thuận trong Nhân dân, các mục tiêu trước mắt của xã sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận