Nâng cao chất lượng thông tin ở cơ sở
Thông tin cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Điều này được chỉ rõ trong Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới: “Thời gian qua, công tác thông tin cơ sở đã góp phần phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn dân cư; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở (xã, phường, thị trấn)”. Bên cạnh đó, đây còn là một trong các phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Vì vậy, thời gian qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng thông tin ở cơ sở, huyện Than Uyên chú trọng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, hoạt động tuyên truyền miệng được quan tâm thực hiện.
Cán bộ bản Lả Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) thông tin các nội dung quan trọng của xã đến Nhân dân trong bản qua hệ thống loa truyền thanh.
Đồng chí Trần Thị Sâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Than Uyên cho biết: Thực hiện Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng, trên cơ sở định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong huyện luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Ví dụ như trong thời điểm này, các cơ quan, đơn vị trong huyện tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo Nhân dân. Đồng thời, Huyện ủy quan tâm chỉ đạo xây dựng, kiện toàn và quản lý thống nhất đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội từ huyện tới cơ sở. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, hướng dẫn cách lựa chọn nội dung tuyên truyền, đổi mới phương pháp tuyên truyền miệng theo hình thức “ngắn gọn - súc tích - dễ hiểu - dễ nghe”, vì hầu hết người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn huyện có 30 báo cáo viên cấp huyện, 256 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cơ bản đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, nhiệm vụ chính trị, năng lực, chuyên môn.
Hàng tháng, Huyện ủy duy trì tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện. Tổ chức các buổi thông tin thời sự tình hình của tỉnh, huyện, trong nước và quốc tế tại xã, thị trấn trên địa bàn. Trong năm 2020, Huyện ủy đã tổ chức được 33 cuộc thông tin thời sự. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thiết bị thông tin tại các bản từ nhiều nguồn vốn, chương trình, chính sách. Phát huy vai trò hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện; tiếp sóng các chương trình của Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin theo hướng đa dạng, hấp dẫn nhằm thu hút người nghe, người xem.
Đến Lả Mường, ngay từ đầu bản, chúng tôi đã nghe tiếng loa truyền thanh thông báo tới người dân thời gian họp bản với các nội dung: lịch gieo cấy vụ đông xuân, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết dương lịch năm 2021... Đồng chí Lìm Văn Ngoan - Trưởng bản Lả Mường chia sẻ: Trước đây, mỗi lần thông báo họp bản, chúng tôi phải gõ bằng chiêng hoặc trống, tuy nhiên bà con chưa biết cụ thể nội dung họp nên rất ít tham gia. Từ ngày có loa truyền thanh, được thông báo rõ các nội dung quan trọng trong buổi họp, Nhân dân đến đông đủ hơn. Khi hiểu hết về các chính sách, chủ trương của Đảng, kế hoạch của tỉnh, huyện, xã, bà con hăng hái thi đua phát triển kinh tế. Bản Lả Mường có 129 hộ dân, trong năm 2020 đã có 4 hộ thoát nghèo, hiện bản còn 7 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người; 120 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Huyện Than Uyên gồm 12 xã, thị trấn thì 100% đã có nhà văn hóa xã, 124/131 bản, khu dân cư có nhà văn hóa; hầu hết các bản, khu dân cư có hệ thống loa truyền thanh. Toàn huyện có hơn 60 điểm ở 7 xã (Mường Than, Mường Cang, Mường Kim, Hua Nà, Tà Mung, Phúc Than, Mường Mít) và thị trấn Than Uyên có bộ thu - phát truyền thanh không dây. Trong năm 2020, huyện đã tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đạt hơn 55 nghìn giờ; phát sóng truyền hình, sóng FM, chương trình truyền thanh trên 50 nghìn giờ. Sản xuất 108 bản tin truyền hình trang địa phương, 161 bản tin phát thanh tiếng Việt, 69 bản tin phát thanh tiếng dân tộc Thái trên tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội. Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thường xuyên tổ chức thông tin lưu động tại các xã dọc tuyến trên địa bàn, tuyên truyền ngày lễ, sự kiện lịch sử, chính trị của đất nước, tỉnh, huyện.
Đồng chí Trần Thị Sâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định: Nâng cao chất lượng thông tin ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc. Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhờ đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của huyện Than Uyên trong những năm qua luôn đạt và vượt kế hoạch giao. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đạt 38,5 triệu đồng/người/năm 2020. Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, đến nay, toàn huyện có 11.821 hộ gia đình (đạt 88%), 108 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 101 bản, khu phố văn hóa...
Đinh Đông
Bình luận