Chủ nhật, 01/12/2024, 08:54 [GMT+7]

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản

Chủ nhật, 30/06/2024 - 08:53'
Với những thế mạnh vốn có, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong tỉnh đã tạo ra nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững.

Để xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản Lai Châu, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cập nhật các thông tin về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên Trang thông tin điện tử, bản tin KH&CN của sở. Đồng thời, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SHTT trong chuyên mục khoa học và đời sống của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, sở phối hợp với: Cục SHTT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên tổ chức các lớp tập huấn về: “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương”; “Vai trò của SHTT đối với các sản phẩm”; sử dụng và phát triển nhãn hiệu đào, mận, lê tại huyện Tam Đường. Sở còn tổ chức 1 hội nghị tập huấn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp địa phương. Qua đó, giúp gần 200 doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã nâng cao nhận thức về SHTT, đặc biệt là vai trò của SHTT trong nâng cao giá trị của sản phẩm đặc thù của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mạc Quang Dũng - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Với vai trò quản lý Nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã phối hợp với các huyện, thành phố hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm địa phương; hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, xin phép sử dụng địa danh và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ. Kết quả đã có 144 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đăng ký xác lập quyền SHTT gửi về Cục SHTT. Đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ nhằm mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện, đồng bộ, trong đó chú trọng hỗ trợ xây dựng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Sản phẩm Đông trùng hạ thảo Huy Cương là một trong những mặt hàng nông sản Lai Châu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Được biết, Cục SHTT đã cấp 60 nhãn hiệu cho nông sản Lai Châu (trong đó có 35 nhãn hiệu thông thường; 16 nhãn hiệu chứng nhận; 9 nhãn hiệu tập thể) và 11 kiểu dáng công nghiệp. Sở KH&CN tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành 3 quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: Gạo đặc sản séng cù Than Uyên; chè Tam Đường; sâm Lai Châu. Thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, thông qua việc bảo hộ các sản phẩm hàng hóa cho thấy các sản phẩm địa phương sau khi xây dựng nhãn hiệu đều phát huy giá trị sản phẩm và giữ ổn định qua các năm, thị trường tiêu thụ được rộng mở, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định.
Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp minh bạch trong giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận hiệu quả người tiêu dùng, hằng năm, Sở KH&CN ban hành văn bản tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và đào tạo về truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc như: đăng ký mã số mã vạch, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở ban hành văn bản thông báo tổ chức khóa đào tạo chuyên gia mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc.
Bộ giải pháp truy xuất, minh bạch và kết nối giao thương nông sản Lai Châu trên Website: laichau.smartgap.vn là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Sau khi đưa vào hoạt động đến nay có khoảng 20 sản phẩm được duy trì thông tin hoạt động, trong đó có 3 sản phẩm đảm bảo đầy đủ các điều kiện của cả quá trình truy xuất là: đông trùng hạ thảo Huy Cương; chè Tam Đường; miến dong Bình Lư. Thông qua bộ giải pháp đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp lên hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Anh Đào Huy Cương (hộ kinh doanh Đào Huy Cương ở phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) cho biết: “Chuyên sản xuất các sản phẩm nấm đông trùng hạ tạo, chúng tôi sử dụng Bộ giải pháp truy xuất, minh bạch và kết nối giao thương nông sản Lai Châu từ nhiều năm nay. Ưu điểm là cho phép theo dõi và ghi lại thông tin về quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu trữ nông sản, giúp người tiêu dùng và các đối tác trong chuỗi cung ứng có thể tra cứu và xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, tăng cường niềm tin và tạo sự đảm bảo cho người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho đơn vị”.
Tăng hiệu quả bảo vệ thương hiệu nông sản, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký nhãn hiệu nhằm tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, cung cấp thông tin chi tiết về quy trình và lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu. Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và triển lãm thương mại để giới thiệu các sản phẩm nông sản Lai Châu đến nhà buôn, nhà phân phối và người tiêu dùng, tạo cơ hội để các tổ chức và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

P.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...