Thứ năm, 28/11/2024, 14:53 [GMT+7]

Nông thôn mới ở huyện Than Uyên: Gian nan bài toán “giữ chuẩn”

Thứ sáu, 22/09/2023 - 15:13'
(BLC) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là nhiệm vụ khó, đặt ra nhiều thách thức vì qua rà soát theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM có nguy cơ “rớt chuẩn”. Nhưng với quan điểm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Than Uyên đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập quyết tâm đạt chuẩn theo lộ trình đề ra.

11

1

Qua rà soát, đối chiếu với Bộ tiêu chí NTM theo Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025 thì 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 – 2020 của huyện Than Uyên đều bị “rớt chuẩn” một số tiêu chí đã được công nhận, 4/11 xã chưa đạt chuẩn có tỷ lệ đạt thấp so với yêu cầu. Việc thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM mới với nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn đã gây khó khăn, thách thức đối với huyện Than Uyên và các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM.

Năm 2015, xã Mường Than là một trong hai xã đầu tiên của huyện Than Uyên đạt chuẩn NTM. NTM đã mang lại nhiều đổi thay từ diện mạo đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng khang trang, sạch đẹp: tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%; nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi được đầu tư; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện đạt 100%. Đời sống của bà con ngày càng ấm no, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/năm.

Nhân dân trong xã Mường Than đoàn kết chung tay xây dựng NTM mới thể hiện qua những việc làm cụ thể như: hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng được nhân rộng.

Sau nhiều năm nỗ lực duy trì, nâng cao các tiêu chí hiện nay xã Mường Than đang đứng trước nguy cơ “mất chuẩn” vì rà soát lại theo Quyết định số 1285/QĐ-UBND, ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh xã chỉ có 11/19 tiêu chí đạt theo quy định còn 8 tiêu chí cần tiếp tục đầu tư để đảm bảo theo yêu cầu như: quy hoạch, cơ sở vật chất, nhà ở dân cư, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng an ninh, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ thực tế, này đặt ra bài toán khó cho xã “làm thế nào để giữ chuẩn”, hiện xã cố gắng giữ vững thành quả đạt được từ các năm trước và từng bước hoàn thiện việc thực hiện các tiêu chí mới.

3

Chẳng riêng Mường Than, xã Hua Nà cũng được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Tuy nhiên khi đối chiếu với các tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 – 2025 thì xã Hua Nà có 10 tiêu chí chưa bền vững và cần nâng chuẩn. Các chi tiêu bị rớt chuẩn là những tiêu chí khó, ngoài nguồn vốn đầu tư rất cần sự chung sức đồng lòng của nhân dân trên địa bàn xã: nhà ở dân cư, tỷ lệ nghèo đa chiều, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… 

Trong bức tranh tổng thể, không chỉ các xã Mường Than, Hua Nà mà hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM của huyện Than Uyên đều bị giảm chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần so với thời điểm công nhận NTM. Tính đến thời điểm này, kết quả rà soát tiêu chí NTM của huyện chỉ đạt bình quân 8,36 tiêu chí/xã; có 2 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 8 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; xã Khoen On đạt dưới 5 tiêu chí.

Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg huyện Than Uyên mới đạt 2 tiêu chí: thủy lợi và phòng, chống thiên tai; hiện còn 7 tiêu chí chưa đạt: quy hoạch, giao thông, y tế, văn hóa và giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công.

Nông thôn mới ở huyện Than Uyên: Gian nan bài toán “giữ chuẩn”

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Lai Châu gồm có 19 tiêu chí, 57 tiêu chí thành phần, nhiều hơn 8 tiêu chí thành phần so với giai đoạn 2016-2020 và có nhiều tiêu chí được nâng cao hơn so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 như: thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, giáo dục và đào tạo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm… Vì vậy, hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM của huyện Than Uyên giai đoạn trước đều gặp khó khăn trong quá trình “giữ chuẩn” vì để thực hiện những tiêu chí này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, ngoài sự nỗ lực của địa phương rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các sở, ban, ngành từ tỉnh, trung ương.

Trong khi đó, một số chỉ tiêu thành phần lại không phù hợp với điều kiện thực tế đối với xã vùng cao như: chỉ tiêu về “tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử”; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn ≥2 m2/người, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ≥30%, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định ≥30%; tiêu chí nghèo đa chiều dưới 13% nhưng kết quả rà soát chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, năm 2022 trên địa bàn huyện là 27,2% rất khó để đạt được tiêu chí này.

5

Để giải quyết những khó khăn đó, huyện tập trung rà soát lại tất cả các tiêu chí, kể cả những xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn. Xác định rõ tiêu chí nào đã đạt và chưa đạt; tiêu chí nào cần nguồn kinh phí của huyện và tiêu chí nào xã có thể tự thực hiện được. Đối với cấp huyện, rà soát và cố gắng cơ cấu các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai thực hiện các nội dung, ưu tiên đáp ứng được tiêu chí NTM. Một số tiêu chí đòi nguồn lực lớn báo cáo xin chủ trương của tỉnh.

Lý giải về nguyên nhân xã Mường Than “rớt chuẩn” vì có 8 tiêu chí chưa bền vững và cần nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM mới đồng chí Phạm Văn Bốn - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hằng năm xã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí mới nâng cao hơn so với giai đoạn trước nên khó duy trì và thiếu nguồn lực phát triển. Vì vậy, thực hiện phương châm “chậm nhưng chắc" ngay từ đầu năm xã đã rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xây dựng NTM nâng cao phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từng vùng, từng khu vực. Tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, và một số tiêu chí đã đạt nhưng còn chưa bền vững (hộ nghèo, thu nhập, văn hóa). Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, y tế thôn bản, nâng các chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn”.

Đối với tiêu chí nhà ở dân cư hiện xã Mường Than còn 44 nhà tạm, 6 tháng đầu năm xóa 2 nhà, để hoàn thành tiêu chí này vào cuối năm xã đang đề nghị hỗ trợ 8 nhà bằng nguồn xã hội hóa và vận động gia đình vay vốn theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/3/2022 của Chính phủ. Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất xã có kế hoạch đầu tư từng hạng mục đảm bảo hoàn thành các tiêu chí thành phần: tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng nhà văn hóa đa năng, địa điểm gần trụ sở công an xã; nâng cấp sửa chữa nhà văn hóa bản Lằn, bản Mường; mua sắm trang thiết bị cho 3 nhà văn hóa bản: Hua Than, Én Luông, Sen Đông (50 triệu đồng/bản). Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, nước sinh hoạt và chăn nuôi, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về vấn đề xử lý nước thải, rác thải.

6

Tại xã Hua Nà, việc thực hiện các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí NTM mới gặp rất nhiều thách thức, do xuất phát điểm của xã thấp, địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trong khi đó các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định mới quá cao so với mức sống của người dân ở đây. Điển hình như tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh khi các xã ra khỏi khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ do đó để đạt tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 52% rất khó. Ngoài ra, chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025, nhiều tiêu chí đánh giá cao hơn so với giai đoạn 2016-2020, vì vậy qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên nhiều so với năm 2020. Năm 2022 toàn xã có 93 hộ nghèo chiếm 16,25% để giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 13% xã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế mới; tăng cường hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn để tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động địa phương.

14

Bên cạnh dành nguồn lực, ngân sách đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí NTM mới xã Hua Nà triển khai nhiều giải pháp để duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn: giao thông nông thôn, thủy lợi. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” hiện xã đầu tư xây dựng các tuyến đường nội đồng bản Hua Nà, đường sản xuất Chằm Cáy, bản Đắc, cải tạo nâng cấp đường nội bản Đắc đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của bà con.

Việc các xã rớt chuẩn tiêu chí NTM một phần nguyên nhân do Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu cao hơn. Song phải nhìn nhận thực tế là chất lượng xây dựng NTM chưa thật sự bền vững, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là thỏa mãn với kết quả đạt được nên không chú trọng việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí dẫn đến khi áp dụng quy định mới, nâng cao thì nhiều tiêu chí không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện trong giai đoạn mới.

7

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và những bất cập trong quá trình xây dựng NTM nhưng huyện Than Uyên vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2023 bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn huyện đạt 18 tiêu chí, với 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 – 2020 duy trì đạt chuẩn và tiếp tục rà soát đầu tư để đảm bảo yêu cầu theo Bộ tiêu chí mới. Năm 2024, phấn đấu 4/4 xã còn lại đạt chuẩn NTM (Tà Mung, Khoen On, Tà Hừa, Pha Mu). Năm 2025 xã Pha Mu đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM.

12

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài đề nghị Trung ương xem xét bố trí bổ sung nguồn kinh phí cho các huyện miền núi trong lộ trình đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2021-2025 để huyện triển khai thực hiện các nội dung của các tiêu chí chưa đạt. Mong muốn UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực cho huyện Than Uyên tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023 và 2024, để năm 2025 huyện có điều kiện hoàn thiện các thủ tục trình công nhận huyện đạt chuẩn NTM theo kế hoạch. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình. Duy trì các xã đã đạt chuẩn và những tiêu chí đã đạt, nhất là các tiêu chí đã đạt nhưng còn thấp.

Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: đường giao thông, thủy lợi. Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Đề án hạ tầng các khu sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung được đầu tư trên địa bàn.

13

Cùng với đó, nhân dân đông lòng tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện các đề án trồng chè, quế, mắc ca, sơn tra và các đề án phát triển nông nghiệp bền vững. Với việc xác định 3 sản phẩm chủ lực: lúa, chè, cá, hiện nay huyện có 1.500ha diện tích lúa sản xuất hàng hóa với 3 nhãn hiệu sản phẩm "Gạo Tẻ tròn Than Uyên", “Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên”, “gạo nếp Tan pỏm đặc sản Than Uyên”; có trên 1.800 ha chè với sản lượng đạt trên 6.000 tấn búp tươi/năm; có 825 lồng với tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm ước đạt trên 800 tấn/năm. Ngoài 3 sản phẩm chủ lực xác định từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã phát triển thêm được gần 1.400 ha mắc  ca, 2.600 thùng ong, trên 400 ha cây ăn quả  sản lượng 1.000 tấn/năm. Đến nay, trên toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao của 9/12 xã thị trấn. Nhờ đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện đạt hơn 3,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 43 triệu đồng.

Thành quả đạt được trong xây dựng NTM ở Than Uyên khẳng định có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức tới hành động của người dân nơi đây. Nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền, tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nhà văn hóa; tự giác di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn, xây dựng chuồng trại xa nhà, hợp vệ sinh; tích cực chỉnh trang nhà cửa, tham gia dọn dẹp vệ sinh đường nội bản, ngõ xóm. Bằng sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và trên hết là khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, Than Uyên đang nỗ lực trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Chúng tôi tới xã Pha Mu là địa phương được huyện lựa chọn xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, đến nay xã đã đạt được 10/19 tiêu chí. Để không “lỡ hẹn” về đích NTM theo lộ trình, Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong xã đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, góp phần nâng cao đời sống và diện mạo vùng nông thôn.

Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, địa phương vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP như: chanh leo, chè, mắc ca, quế với tổng diện tích hơn 100ha. Hiện nay, toàn xã phát triển được trên 500 thùng nuôi ong, với sản lượng mật 1000 lít mỗi năm; sản phẩm mật ong Pha Mu đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được thị trường đón nhận góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 lên 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 32%.

8

Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã thực hiện bê tông hóa được 19km đường giao thông, làm mới 5/5 cổng bản; xây dựng gần 6 km rãnh thoát nước và xóa nhà tạm cho 24 hộ. Đến nay 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số bản có nhà văn hóa.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng NTM nâng cao xã Pha Mu gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giao thông, thủy lợi, giáo dục… Vì vậy, để đảm bảo lộ trình cán đích NTM, xã Pha Mu có nhu cầu kinh phí trong giai đoạn 2022-2025 gần 47,3 tỷ đồng. Do đó, xã thường xuyên rà soát, đánh giá, đối chiếu các chỉ tiêu, tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh, từ đó nỗ lực huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các nội dung, hạng mục, công trình theo từng nhóm tiêu chí quyết tâm về đích đúng hẹn.

Cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, lấy người dân làm chủ thể, như vậy thì diện mạo vùng nông thôn ở huyện Than Uyên mới có thể ngày càng đổi thay, khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất tinh thần người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên để giữ vững các tiêu chí NTM các xã trên địa bàn huyện cần phải đặt nhiệm vụ duy trì và phát triển các tiêu chí NTM lên hàng đầu. Đồng thời, phát huy sức dân trong xây dựng NTM, có như vậy mới đảm bảo xây dựng NTM bền vững mang lại sự đổi thay trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...