Chủ nhật, 01/12/2024, 08:03 [GMT+7]

Nậm Cần duy trì và nâng cao tiêu chí nông thôn mới

Thứ ba, 02/01/2024 - 09:23'
(BLC) - Được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2015, sau gần 10 năm, xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên) tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí. Trong đó, phát huy lớn nhất nội lực của người dân trong việc nâng cao tiêu chí thu nhập và chủ động cải tạo môi trường, cảnh quan đường làng ngõ bản, khuôn viên nơi ở đảm bảo khang trang, sạch đẹp tạo nên diện mạo mới.

Chia sẻ với chúng tôi cách lãnh, chỉ đạo để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, chị Trần Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cần cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã triển khai các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được người dân hưởng ứng và đạt kết quả tích cực… Cụ thể là trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả, giúp cho bà con có thu nhập ổn định. Các hợp tác xã, công ty liên kết với người dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm củ, quả như: ớt (6,2ha), chanh leo (1ha), dưa chuột (3,8ha) tại bản Phiêng Bay, Phiêng Áng, Phiêng Lúc.

1

Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Nông dược Phương Nam với người dân xã Nậm Cần trồng ớt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Riêng năm 2023, bà con nông dân toàn xã đã thu hoạch 75 tấn ớt với tổng số tiền thu về 700 triệu đồng. Với dưa chuột bà con thu hoạch tổng sản lượng 13,3 tấn tương đương số tiền 113 triệu đồng. Vui hơn nữa khi năm nay nông dân chủ động nâng cao hệ số sử dụng đất với việc trồng 2ha ngô ngọt. Giờ đây, nông dân Nậm Cần không cho đất nghỉ. Những bãi bồi ven sông bà con đều tận dụng tối đa để canh tác cây màu. Ngoài ra, tập trung chăm sóc, tăng năng suất lúa, chè, trồng quế...

Song song với tổ chức các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân, xã tăng cường huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phục vụ xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2025, xã có 1 bản đạt bản nông thôn mới nâng cao. Từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh, huyện, vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa, xã ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình trực tiếp phục vụ sản xuất, có tính bức thiết trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

2

Nhờ chăm chỉ canh tác, người dân xã Nậm Cần có thêm nhiều nguồn thu từ cây chè và ngô ngọt.

Năm nay, bà con toàn xã vui mừng tham dự lễ hội Xên tại bản Phiêng Áng. Đây là lễ hội được huyện tổ chức nhằm mục đích phục dựng lại lễ hội của các dân tộc tại bản được chọn xây dựng NTM nâng cao. Cũng là cách góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua lễ hội, ẩm thực, văn hóa văn nghệ của từng dân tộc. Ông Lò Văn Pò – Trưởng bản Phiêng Áng vui mừng cho hay, lễ hội này có ý nghĩa rất lớn đối với bà con trong những ngày xuân mới, tạo động lực, khí thế để bà con bước sang năm mới phát đạt hơn. Nhưng đây cũng là hoạt động giúp bà con dân tộc Thái được chứng kiến sự tái hiện các nghi thức trong lễ hội của đồng bào mình.

Theo đánh kết quả năm qua có 13/19 tiêu chí và 48/57 tiêu chí thành phần đạt theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với bản Phiêng Áng được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch đã thực hiện đạt 9/15 tiêu chí và 35/53 tiêu chí thành phần. Trong đó, bao gồm các tiêu chí môi trường, thu nhập, y tế, nhà ở dân cư. Đây là các tiêu chí được xem là cần thời gian lâu dài để duy trì và nâng cao, do đó, cách hiệu quả nhất là phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong thực hiện tiêu chí môi trường và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nâng cao năng suất, thu nhập, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế, ngắn ngày cho thu nhập sớm. Qua đó, mới đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

3

Người dân bản Phiêng Áng tập trung xây dựng, chỉnh trang nhà cửa tạo diện mạo mới cho bản khang trang, đẹp hơn.

Nói về việc hợp tác của người dân trong thực hiện xây dựng NTM thì Nậm Cần có rất nhiều điển hình tham gia hiến đất làm đường giao thông nội bản, đường sản xuất. Đáng nói, có hộ hiến 500-1000m2 đất nương, đất ruộng để mở đường sản xuất, điển hình có thể kể đến gia đình các ông Lò Văn Pẻm, Lò Văn Moi, Lò Văn Nam (bản Hua Puông) hiến hàng nghìn mét đất để mở đường vào khu trồng rừng sản xuất bản Hua Cần. Còn ở bản Phiêng Áng, 5 hộ dân đã bỏ ngày công trang trí, làm cổng nhà hướng tới phát triển du lịch. Các bản khác thì thường xuyên duy trì công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm hàng tuần, hàng tháng gắn với chỉnh trang nhà cửa và xây dựng nếp sống văn minh.

Những kết quả đạt được trong chương trình xây dựng NTM thấy rõ dấu ấn của sự quan tâm, sâu sát trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của chính quyền, mặt trận, các ngành đoàn thể xã, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đã quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM để từ đó phát huy tối đa mọi nguồn lực, chung sức xây dựng NTM và người cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu làm gương.

Mục tiêu đề ra đến năm 2025 xã Nậm Cần và bản Phiêng Áng đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với du lịch, từ đó nhân rộng ra các bản trên địa bàn xã. Để thực hiện thành công, xã đẩy mạnh huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả cơ sơ hạ tầng, cơ sở vật chất. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực của tổ chức, các nhân. Quan tâm phục dựng lại các lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: lễ hội Xên bản, Xòe chiêng và văn hóa ẩm thực của người địa phương; duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các bản. Xây dựng thương hiệu tinh dầu quế của xã Nậm Cần, xây dựng được sản phẩm OCOP...

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...