Xã Hội | Ocop Lai Châu | MULTIMEDIA | Du lịch
Ngọt ngào vị lê nơi rẻo cao Tây Bắc
Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi như: thu hoạch lê, gọt lê nghệ thuật, giới thiệu và trưng bày mâm quả; các gian hàng nông sản… thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự với niềm vui và phấn khởi. Chị Phạm Minh Nguyệt - du khách đến từ tỉnh Hà Giang không khỏi ngạc nhiên trước không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội hái lê xã Giang Ma bởi sự đặc sắc, hấp dẫn, đậm đà văn hoá dân tộc vùng cao. Chị hồ hởi nói: “Năm trước tôi được người bạn ở Lai Châu gửi lê sang. Lê rất ngon, giòn, ngọt mát. Năm nay tôi được dự lễ hội hái lê, trực tiếp thưởng thức quả lê sạch do tay bà con trồng, chăm sóc, cảm giác thật là tuyệt vời”.
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, xã Giang Ma, huyện Tam Đường được đánh giá là vùng đất tiềm năng để trồng các loại cây ăn quả ôn đới như: đào, lê, mận. Khai thác lợi thế sẵn có, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các bản trên địa bàn tích cực chuyển đổi diện tích đất vườn, đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có lê, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Hiện nay, xã Giang Ma trồng hơn 50ha cây lê VH6. Từ đầu mùa lê đến nay, xã đã đón trên 3.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức lê tại vườn. Hiện tại, xã định hướng và tập trung hỗ trợ người dân bản: Sử Thàng, Giang Ma, Bãi Bằng phát triển vườn lê gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Gia đình anh Giàng A Sang – bản Bãi Bằng là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng cây lê theo hướng hữu cơ sạch, an toàn. Hiện nay gia đình có hơn 300 cây lê, trong đó có 200 cây cho thu hoạch; năm 2023 thu nhập từ cây lê mang về cho vợ chồng anh trên 80 triệu đồng. Để sản phẩm quả lê của gia đình có thương hiệu, nhãn hiệu, tạo niềm tin với người dân trong tỉnh và du khách ngoài tỉnh, anh Sang phối hợp với Trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) xây dựng thành công nhãn hiệu lê Tam Đường được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận năm 2023.
Anh Sang hồ hởi: Gia đình tôi trồng lê hơn 10 năm rồi. Từ khi được công nhận sản phẩm lê Giang Ma là đặc sản của huyện, quả lê sạch, mọi người ưa chuộng hơn. Năm nay, các thương lái đến tận vườn mua; du khách vào vườn trải nghiệm, mua nhiều. Từ đầu vụ đến giờ, bán được 42 triệu đồng. Để đảm bảo theo tiêu chí sạch, tôi tuân thủ quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ, phân vi sinh; phòng chống sâu bệnh hại cho cây bằng phương pháp dân gian, không sử dụng thuốc hoá học.
Vườn lê của gia đình anh Giàng A Phử - bản Giang Ma được chọn là nơi để tổ chức thi thu hoạch lê tại lễ hội hái lê của xã. Tại đây, các đội thi hái những quả lê to tròn, vỏ căng mọng dưới sự chứng kiến, hô hào của du khách và người dân trong bản. Không khí trong vườn trở nên nhộn nhịp hơn khi từng đội đua nhau về thời gian.
Có thể thấy, từ cách làm của cấp uỷ, chính quyền xã Giang Ma trong việc định hướng phát triển cây lê gắn với du lịch trải nghiệm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ đó, tạo động lực, niềm vui giúp nhân dân trên địa bàn tiếp tục mở rộng, hình thành các vườn lê đẹp, quả sạch thu hút du khách và khẳng định thương hiệu lê Giang Ma “ngọt thơm, thanh mát”.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận