Nhiều giải pháp dạy tốt, học tốt
Trường Tiểu học Nậm Cần có 1 điểm trường trung tâm và 3 điểm trường ở bản gồm 11 lớp và 235 học sinh; 27 cán bộ quản lý, giáo viên. Từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 3 phải về điểm trung tâm học tập. Trong khi đó, bản xa nhất cách trường 15km, ngày đầu tuần phụ huynh không đưa con ra trường kịp nên ảnh hưởng đến duy trì sỹ số. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, việc đưa đón, chăm sóc con em rất khó khăn; các thầy cô giáo phải đưa các em về nhà hoặc gửi nhờ gia đình hộ dân cùng bản.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025, trong năm học này các em chỉ còn được hỗ trợ 11.600 đồng/2 bữa/ngày/học sinh. Rất may, nhà trường được Dự án “nuôi em” của đơn vị từ thiện tại thành phố Hải Phòng hỗ trợ thêm 13.000 đồng/ngày/học sinh đã giúp gia đình học sinh giảm bớt khó khăn. Theo đó, mỗi học sinh chỉ phải đóng góp 2kg gạo/tuần và 10kg củi/tháng.
Nhà trường cũng đã hỗ trợ tối đa về sách giáo khoa cho học sinh từ nguồn trong thư viện; kết nối xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm; vận động phụ huynh chủ động chuẩn bị cho con em. Đồng thời, giao quyền tự chủ cho tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học; điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh theo vùng miền. Từng bước đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập...
Đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tiếp tục áp dụng linh hoạt mô hình trường học mới, chủ động sắp xếp lại nội dung dạy học phù hợp, thuận lợi. Một số giáo viên vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giúp học sinh tự tin, sáng tạo trong học tập, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; từng bước thực hiện giáo dục toàn diện. Tổ chức tốt các hoạt động rèn kỹ năng sống, chống gây thương tích cho học sinh.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học xã Nậm Cần.
Cô giáo Đỗ Thị Minh (chủ nhiệm lớp 3A) có thâm niên 16 năm công tác ở vùng khó. Vậy nhưng, tất cả vì học sinh thân yêu, cô luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô giáo Minh chia sẻ: Hiện nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục của địa phương, thể hiện ở việc chủ động chuẩn bị đồ dùng, sách vở trước khi các con đến lớp; đồng hành với giáo viên trong giáo dục con em. Giờ đây, chất lượng học sinh nâng lên nhiều. Nhà trường thành lập các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật hoặc tổ chức tăng gia... giúp các em phát huy năng khiếu, vui thích đến trường và trang bị kỹ năng sống cho học sinh bán trú.
Đối với công tác đánh giá học sinh, nhà trường đánh giá mức độ đạt được theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Thực hiện đánh giá sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Em Lò Thị Mai Trang (lớp 4B) tâm sự: Nhà em ở bản Nà Phát, khi học lớp 1, 2 em học ở điểm trường bản. Từ năm học lớp 3, em về điểm trường trung tâm học. Vậy nên ngày đầu tuần bố hoặc mẹ đưa đến trường, cuối tuần lại đón về. Học tại điểm trường trung tâm và ở bán trú, em có thêm nhiều bạn bè, được thầy, cô giáo quan tâm, nên không nhớ nhà nhiều, tập trung học tập tốt hơn.
Với nhiều giải pháp tổ chức dạy và học, đến thời điểm này, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt 95%; huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Công tác bán trú đi vào nền nếp; nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, rèn kỹ năng sống cũng được quan tâm, tổ chức, tạo hứng thú trong học tập của học sinh.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nậm Cần có tỷ lệ chuyên cần đạt từ 98% trở lên; huy động học sinh trong độ tuổi đến trường và huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Đánh giá xếp loại giáo dục lớp 1, 2, 3, 4 có 47,9% đạt xuất sắc, 4,3% hoàn thành tốt và 47,8% học sinh hoàn thành. Đánh giá xếp loại giáo dục lớp 5 có 27% hoàn thành tốt, 72,8 hoàn thành. Tháng 6 vừa qua, Trường Tiểu học Nậm Cần được UBND tỉnh công nhận duy trì trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2019-2024. |
Thu Trang
Bình luận