Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân
Bum Nưa là một trong những xã đầu tiên của huyện Mường Tè đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) - năm 2015. Với đặc thù xã miền núi, nguồn thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, bởi vậy, xã gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
Bà Vàng Thị Thánh - Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: “Bum Nưa là xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Để người dân cải thiện thu nhập, xã tranh thủ nguồn lực, hỗ trợ của Nhà nước thực hiện chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây hiệu quả kinh tế cao hơn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, quế… Tuy nhiên, với tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn lạc hậu, manh mún; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên nhiều mô hình chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Phát triển chăn nuôi gia súc đem lại nguồn thu nhập ổn định người dân xã Bum Nưa (huyện Mường Tè).
Theo người dân xã Bum Nưa, việc thực hiện tiêu chí thu nhập trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của bà con phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, năm nào thời tiết khắc nghiệt, năm đó mất mùa, nhiều hộ không đủ ăn, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi; địa hình đồi núi, bị chia cắt, diện tích đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, dân cư phân bố không đồng đều. Ngành thương mại dịch vụ chậm phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu cung cấp cho người dân địa phương dẫn đến việc xây dựng và triển khai các đề án, dự án về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân còn hạn chế.
Trước những khó khăn trên, để giúp người dân phát triển sản xuất, xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển, mở rộng các mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, tổng dư nợ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đạt trên 68,4 tỷ đồng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với địa phương để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Hằng năm, người dân xã gieo cấy hơn 230ha lúa, với các giống mới có chất lượng và tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ đó, đem lại năng suất cao, sản lượng bình quân đạt 719 tấn. Ngoài ra, bà con trồng và chăm sóc rau màu các loại với tổng diện tích hơn 10ha.
Xã khuyến khích các bản tận dụng những khu đất trống làm bãi chăn thả đàn gia súc và trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Trong quá trình chăn nuôi, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vì vậy, đàn vật nuôi trên địa bàn xã tăng nhanh. Đến nay, xã có hơn 4.000 con gia súc và 23.790 con gia cầm các loại. Chăn nuôi đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia đình ông Đao Văn Chức ở Bản Bum (xã Bum Nưa) thời gian qua đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng quế. Ông Chức cho biết: “Nhận thấy địa phương có thế mạnh về chăn nuôi, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát, năm 2010 mua 3 con bò về nuôi. Gia đình tôi thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh, hằng ngày vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Để đàn gia súc lớn nhanh, ngoài việc chăn thả, gia đình tôi còn bổ sung thêm thức ăn tinh bột. Nhờ đó, đàn vật nuôi sinh trưởng nhanh, trung bình mỗi năm bán cho người dân địa phương từ 3-4 con, với giá bán trên 15 triệu đồng/con. Hiện, gia đình duy trì chăm sóc 10 con bò. Ngoài ra, gia đình còn chăm sóc 100 con gia cầm và có 300m2 ao nuôi nhiều loại cá, tôm, phục vụ nhu cầu gia đình, bán ra thị trường mang lại thu nhập”.
Được biết, gia đình ông Chức còn chuyển đổi diện tích đất đồi trước đây trồng ngô, sắn hiệu quả thấp sang trồng quế, với tổng diện tích gần 1ha. Đến nay quế đã được tỉa cành lá, mỗi vụ cho thu khoảng 12 triệu đồng. Từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông Chức thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình ông Chức, tại địa phương ngày càng xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Với việc đề ra các giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tin rằng, xã Bum Nưa sẽ thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong thời gian tới. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
G.P
Bình luận