Thứ năm, 28/11/2024, 12:30 [GMT+7]

Phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 01/11/2024 - 15:29'
Tính đến nay, Tân Uyên là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% số xã, thị trấn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Kết quả đó có công sức đóng góp rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Nhờ đó, những vùng quê NTM là điểm tựa bình yên cho mỗi người con quê hương Tân Uyên.

Tân Uyên có 10 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất với 48,11%, dân dộc Mông 19,17%, dân tộc Kinh 15,14%, còn lại là các dân tộc khác. Nhớ lại năm 2011, thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, Tân Uyên thuộc huyện 30a/CP với 7/9 xã đặc biệt khó khăn, điểm xuất phát thấp, đời sống bà con còn nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư song thời gian sử dụng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng. Lúc bấy giờ, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM, bình quân tiêu chí toàn huyện mới chỉ đạt 3/6 tiêu chí/xã. Số xã đạt từ 5-10 tiêu chí có 3 xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí có 6 xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở khu vực nông thôn lạc hậu, thiếu thốn và còn nhiều bất cập.
Nhận thấy việc hoàn thành các tiêu chí NTM rất cần huy động nguồn lực của người dân trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp có hạn, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS để cùng chung tay thực hiện. Phân tích rõ đây là chương trình mang lợi ích lớn nhất cho người dân và chỉ bà con được hưởng lợi. Với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, phòng, ban của huyện đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn hiểu được mục đích, ý nghĩa và tạo động lực để bà con thực hiện.

Đảng viên, nhân dân bản Chom Chăng (xã Thân Thuộc) dọn vệ sinh đường bản đón mừng Ngày Quốc khánh (2/9).

Các nội dung tuyên truyền tập trung vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” với 5 nội dung: đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái; đoàn kết xây dựng môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh đã góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí và đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng NTM. Nhờ sự đồng lòng trong nhận thức và thống nhất trong hành động, bà con các dân tộc trên địa bàn đã chung tay góp sức cùng chính quyền tích cực thực hiện các nội dung của chương trình xây dựng NTM.
Tại bản Chom Chăng (xã Thân Thuộc) - nơi được tỉnh công nhận hoàn thành xây dựng NTM khá lâu, đảng viên trong chi bộ và dân bản thường xuyên duy trì thói quen vệ sinh bản vào mỗi ngày cuối tuần hoặc tổng vệ sinh vào những dịp lễ, tết, góp phần duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường. Đồng chí Tòng Văn Trung - Bí thư Chi bộ bản cho hay: Bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Để khuôn viên bản sạch, phong quang, đảng viên trong chi bộ hăng hái làm trước. Nhờ đó, bà con noi theo và rất tích cực tham gia khi bản phát động.
Đồng bào DTTS của huyện còn góp sức trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. 5 năm qua, huyện Tân Uyên có 24 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 chủ thể là người DTTS với những sản phẩm truyền thống của địa phương như: hộ kinh doanh Châu A Dơ (bản Hô Tra, xã Mường Khoa) với sản phẩm địa lan Kiếm Trần Mộng; hộ kinh doanh Hà Thị Phớ (bản Tạng Đán, xã Thân Thuộc) với 2 sản phẩm: thịt trâu và thịt ba chỉ lợn đen gác bếp; hộ kinh doanh Lò Văn Hiện (bản Pắc Ta, xã Pắc Ta) với sản phẩm cốm nếp Co Giàng. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, kinh doanh tăng 5% - 10% so với trước, tạo thêm việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS. Thống kê mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS huyện Tân Uyên năm 2023 đạt 47 triệu đồng/người/năm; xuất khẩu hàng địa phương 5,38 triệu USD/năm với sản phẩm xuất khẩu chính là chè. Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch tập trung 26,3%...
Đồng bào DTTS tích cực tham gia xây dựng NTM nhưng chính NTM lại mang đến cuộc sống mới cho người dân. Từ đó, đồng bào thêm tin vào Đảng, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh.

T.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...