Thứ năm, 28/11/2024, 14:55 [GMT+7]

Quan tâm, đảm bảo nguồn nhân lực giáo dục

Thứ ba, 01/10/2024 - 09:19'
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Uyên những năm học gần đây luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, huyện tiếp tục gặp khó khăn do một số giáo viên công tác ở vùng khó đề nghị chuyển vùng sang khu vực thuận lợi. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, huyện đã quan tâm giải quyết bằng nhiều giải pháp linh hoạt.

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các xã trên địa bàn huyện Tân Uyên (thuộc khu vực III) đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đều trở về khu vực I nên các chế độ chính sách đều bị cắt giảm. Đối với giáo viên nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông khó khăn lại hưởng chế độ như khu vực trung tâm huyện nên rất thiệt thòi.
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học xã Nậm Sỏ thiếu 12 giáo viên, trong đó có 8 giáo viên tiểu học và 4 giáo viên chuyên đề gồm các môn: tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Giúp nhà trường khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo không bỏ môn, bỏ tiết, UBND huyện đã ban hành quyết định biệt phái một số giáo viên ở các đơn vị trường học còn thừa tăng cường sang. Tuy nhiên, vẫn có 2 giáo viên có thời gian công tác hơn 10 năm ở vùng khó viết đơn xin chuyển đến các trường gần trung tâm huyện. Nhà trường đã hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, danh sách gửi Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ xem xét, giải quyết.

1

Giờ học môn toán của thầy - trò lớp 3A1, Trường Tiểu học Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên).

Trước thềm năm học mới, nhiều giáo viên viết đơn bày tỏ nguyện vọng được luân chuyển ra các đơn vị trường học thuận lợi hơn do đã có thời gian dài cống hiến ở vùng khó. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Trường Tới - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện khẳng định: Hiện tại, huyện Tân Uyên không có phân biệt vùng sâu, vùng xa do các xã đã hoàn thành chương trình nông thôn mới (trừ một số bản vẫn duy trì thôn bản đặc biệt khó khăn). Thực tế thì có xã đã hoàn thành nông thôn mới nhưng vẫn thuộc địa bàn xa, đường xá đi lại khó khăn như: Tà Mít, Nậm Sỏ, Hố Mít. Đây là bất cập vì trước đây các xã này đều thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giáo viên công tác tại đó được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định. Vì vậy giờ đây họ có nguyện vọng luân chuyển ra vùng thuận lợi hơn là chính đáng. Để giải quyết vấn đề này là bài toán khó, cần có thời gian, có chính sách quy định của Nhà nước.
Được biết, kết thúc năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Tân Uyên đã đạt được nhiều kết quả khả quan, các chỉ tiêu đối với các bậc học đều đạt và vượt. Năm học mới này, toàn ngành có 32 đơn vị trường (11 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở và 1 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở) với 572 lớp, 16.754 học sinh. Tổng số có 1.216 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thiếu 107 biên chế so với chỉ tiêu được giao, trong đó 6 cán bộ quản lý, 57 giáo viên và 44 nhân viên. Tìm giải pháp cho thực trạng này, đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo công tác tại khu vực III (nay thuộc khu vực I), huyện đề nghị cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, giải thích tạo đồng thuận về chủ trương, chính sách đúng của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, huyện cũng kiến nghị với tỉnh có chính sách đặc thù đối với những huyện ra khỏi khu vực III về khu vực I để giảm bớt thiệt thòi cho ngành GD&ĐT huyện.
Đối với giải pháp của Phòng GD&ĐT huyện sẽ phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện căn cứ biên chế được giao, quy mô mạng lưới trường, lớp của từng đơn vị trường để sắp xếp, phân công công tác giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, giải quyết chuyển vùng cho những trường hợp giáo viên có hoàn cảnh đăc biệt khó khăn. Về tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT huyện cũng vẫn duy trì những giải pháp khắc phục như những năm học vừa qua, đó là: phối hợp tham mưu UBND huyện thực hiện tuyển dụng, hợp đồng bổ sung giáo viên. Đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường giáo viên hỗ trợ huyện các môn còn thiếu ở cấp tiểu học và THCS. Phân công giáo viên dạy kiêm, dạy trực tuyến, một giáo viên dạy từ 2-3 đơn vị trường; dồn, dịch điểm trường, ghép lớp, tăng số học sinh/lớp để giảm áp lực về giáo viên. Tiếp tục tuyển dụng; tuyên truyền rộng rãi đến sinh viên ở các trường sư phạm, sinh viên đã tốt nghiệp đăng ký học văn bằng 2 nhằm bổ sung nguồn lực giáo viên tại chỗ trong tương lai.
Hy vọng với những giải pháp trên, huyện Tân Uyên sẽ sớm khắc phục khó khăn để đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...