Sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân
Từ đầu năm đến nay, gió lốc đã khiến 50 nhà ở của các hộ dân trên địa bàn huyện bị tốc mái, hư hỏng. Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường và nhiều công trình thủy lợi bị đất đá vùi lấp, hư hỏng. Thiên tai cũng tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp với hàng chục héc-ta ngô, lúa, sắn và các loại cây trồng khác bị gãy, đổ, không thể cho thu hoạch. Tổng thiệt hại do thiên tai hơn 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn huy động các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Trước hết là giúp các hộ dân có nhà ở bị ảnh hưởng mưa đá, tốc mái sửa chữa nhằm ổn định cuộc sống. Khơi thông, khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng về nông nghiệp khẩn trương khắc phục để tái sản xuất.
Công ty TNHH Một thành viên Phúc Lộc (thị trấn Nậm Nhùn) xử lý, khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã Nậm Manh.
UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở; kiểm tra, đảm bảo hệ thống thoát nước của các công trình giao thông; duy trì thực hiện cảnh báo tại vị trí nguy hiểm có nguy cơ gây ách tắc giao thông. Đồng thời, chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến hiện trạng điểm sạt lở và tổ chức phân luồng giao thông; cắm cọc tiêu, phao tiêu, cọc thủy chí tại các vị trí có nguy cơ gây ngập úng sâu, lưu lượng dòng chảy lớn.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, kiểm tra, tổng hợp tình hình thiệt hại và tổ chức khắc phục. Trên các tuyến giao thông bị sạt lở, khi chưa huy động được máy móc thì các lực lượng như: dân quân, đoàn viên, thanh niên tổ chức khắc phục sự cố, thông tuyến tạm thời để xe máy có thể di chuyển được.
Theo báo cáo của UBND huyện, tổng kinh phí đã huy động để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2024 trên địa bàn huyện hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở; nông nghiệp; hạ tầng thiết yếu và thăm hỏi các hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã đóng góp công lao động, máy móc khơi thông, đảm bảo giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và hỗ trợ di chuyển, sửa chữa nhà ở giúp nhân dân.
Ông Đinh Văn Xanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng chia sẻ: Mùa mưa lũ năm nay trên địa bàn xã có trên 30 hộ bị tốc mái nhà, đất đá sạt lở vùi lấp nhà ở, các tuyến đường đến bản Lồng Ngài, Nậm Lay, Huổi Van bị đất, đá sạt lở gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Xã đã huy động các lực lượng hỗ trợ lợp lại mái nhà, di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn; huy động máy móc, phương tiện để xử lý các điểm sạt lở trên các tuyến đường. Từ đó, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất cho người dân trên địa bàn.
Với các biện pháp đồng bộ, đến nay, các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn đã ổn định cuộc sống; các hoạt động sản xuất được khôi phục. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ an toàn hồ, suối, các khu vực trọng điểm xung yếu; tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai trong đó có các tuyến đường giao thông đến các bản và các công trình thủy lợi trên địa bàn. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thông tin cảnh báo, dự báo để các cấp cơ sở, người dân, cộng đồng nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan trong triển khai các phương án phòng, chống thiên tai.
Nguyễn Tùng
Bình luận