Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng
Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức được 1 hội nghị triển khai chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tuyến tỉnh, 8 lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã về nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình, kỹ năng truyền thông, kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Cùng với đó, thực hiện tổ chức tuyên truyền phát phóng sự, clip thông điệp trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, bài viết trên Báo Lai Châu… về thực hiện xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, khảo sát đánh giá các hoạt động của chương trình và lấy 104 mẫu nước tại 18 trạm y tế và 35 trường học tại và 5 xã Bản Hon, Bản Bo, Khun Há, Bản Giang, Thèn Sin đạt vệ sinh toàn xã vào tháng 11/2020. Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyên truyền người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Tính đến hết năm 2020, Lai Châu mới có 75,7% hộ gia đình được sử dụng nước sạch; 61,5% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc người dân rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đạt 66,1%.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền cho Nhân dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Với mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ có 93% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; 72,9% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% người dân thực hiện rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 80,7%; tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng lên 90,5%.
Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung vào công tác truyền thông về nguy cơ, nâng cao năng lực giám sát. Có các giải pháp phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân để tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Vận động người dân sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh nguồn nước và dụng cụ chứa nước tại cộng đồng dân cư; thực hiện tốt việc xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa mưa; thường xuyên rửa tay với xà phòng tạo thói quen tốt cho sức khoẻ.
Bác sỹ Đào Văn Tuấn - Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với người dân là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như: Tiêu chảy, thương hàn, tả, đau mắt hột… làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng tốn kém đến vài triệu đồng. Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bà con chưa nhận thức được hết những ảnh hưởng của việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi thành viên trong gia đình mà còn là nơi tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển”.
Để nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng, ngay từ bây giờ, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của các gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Phương Thuý
Bình luận