Thứ năm, 28/11/2024, 18:36 [GMT+7]

Tủ sách thiếu nhi: Một lối kể chuyện sinh động về Hà Nội

Thứ sáu, 01/10/2010 - 08:51'
Trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã cho "ra lò" những đầu sách mừng Thủ đô nghìn tuổi. Đó là "Từ kinh đô đến Thủ đô", bộ 3 tập "Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội", thơ "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"...

 

Sách còn thơm mùi giấy mới, Hà Nội suốt nghìn năm lịch sử gắn với dặm dài mấy nghìn năm thăng trầm của đất nước đã hiện lên sinh động, dễ hiểu, giàu xúc cảm.

Chả phải bây giờ NXB Kim Đồng mới cho ra những cuốn sách về Hà Nội. Truyện của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, những trang văn của Vũ Bằng, Thạch Lam… dành cho thiếu nhi đã hiện diện từ lâu. Nhưng sự xuất hiện của một loạt đầu sách mới về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngay trước thềm Đại lễ cùng những đầu sách mới tái bản đã kết nối hệ thống tác phẩm này với tên gọi chung "Tủ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Những tác phẩm mới nhất dịp này gồm "Từ Kinh đô đến Thủ đô - Dặm dài đất nước theo năm tháng", dày hơn 200 trang, in khổ lớn. Bộ 3 tập, mỗi tập hơn 60 trang, khổ nhỏ hơn là "Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội" nói về kỳ tích chống ngoại xâm, cảnh sắc Hà Nội và kinh đô muôn đời. Rồi "Thăng Long - Hà Nội, những điều tôi muốn biết" với các phần địa linh, nhân kiệt, lịch sử, truyền thống, hào hoa, quy chiếu ra thế giới, ô chữ Thăng Long.

Thực ra, nói về Thăng Long - Hà Nội là chạm tới vùng đất thiêng mà nhiều người quan tâm, biết rõ. Vậy thì có thể nói gì trong bộ sách này cho bạn đọc, đặc biệt là thiếu nhi có một cảm nhận mới mà không sai về đất Kinh kỳ? Đó là nói bằng chuyện kể, như là sẻ chia, như là mời gọi người đọc cùng đồng hành khám phá… "Từ Kinh đô đến Thủ đô" kể những sự tích ẩn chứa sau tên gọi thiêng liêng "Văn Lang", "Cổ Loa", "Hoa Lư"… "Hà Nội", rồi là chuyện về danh nhân, hào kiệt… Lối kể không hoàn toàn theo trục thời gian, mà đưa đẩy, "chen ngang" những bài học lịch sử thú vị. Tương tự là ở "Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội", một đứa trẻ tiểu học có thể vừa xem tranh vừa tìm hiểu "Tòa thành nào được xây dựng sớm nhất ở nước ta?", "Kinh thành Thăng Long thời Lý trông như thế nào?"…

Đứng riêng một dòng là chuyện kể Hà Nội bằng thơ - "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", tên gọi từ một tứ thơ sâu lắng của "thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ.

Dù ít, dù nhiều, dù trọn vẹn hay chưa, "Tủ sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" của NXB Kim Đồng đã góp phần khơi dậy sự gắn bó của mỗi người, nhất là lớp thiếu nhi với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Theo Hà Nội mới

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...