Thứ sáu, 13/12/2024, 03:54 [GMT+7]

Tam Đường: xuất hiện 4 ca nghi mắc bệnh chân tay miệng

Thứ ba, 19/07/2011 - 15:51'
(BLC) – Từ ngày 7/7 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường đã tiếp nhận 4 ca nghi mắc bệnh chân tay miệng.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tam Đường tuyên truyền nhân dân cách phòng, chống bệnh chân - tay - miệng.

Ngày 7/7, Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Tam Đường) tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Bảo Thiên Anh (3 tuổi, ở khu trung tâm thị trấn Tam Đường) nhập viện với biểu hiện sốt cao kèm theo các dấu phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Đến ngày 13, 14 và 15/7, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận thêm 3 ca ở thị trấn Tam Đường có biểu hiện tương tự bé Hoàng Bảo Thiên Anh. Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ kết luận 4 ca trên nghi mắc bệnh chân tay miệng.

 

Theo lời kể của chị Hoàng Thị Hằng ở trung tâm thị trấn Tam Đường thì con chị - bé La Hoàng Thảo Anh (11 tháng tuổi) mới đầu có biểu hiện sốt cao 39,5 độ C rồi xuất hiện các phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Hai ngày sau có 2 trẻ ở gần nhà chị cũng bị mắc triệu chứng tương tự. Nhà của 3 trẻ em nghi mắc bệnh chân tay miệng đều ở gần Trường Mầm non thị trấn huyện Tam Đường.

Chị Hằng cho biết thêm: Trước đó, chị có bế La Hoàng Thảo Anh sang chơi cùng bé Hoàng Bảo Thiên Anh (bệnh nhi đầu tiên nhập viện) nên có thể qua quá trình tiếp xúc đã bị lây bệnh.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Đội Y tế dự phòng huyện đã tiến hành khử trùng tại khu có trẻ nghi mắc bệnh, chuẩn bị hoá chất, thuốc để chống dịch bệnh. Đồng thời cũng khuyến cáo tới toàn thể nhân dân, đặc biệt là các ông bố bà mẹ phòng chống bệnh chân tay miệng cho con mình.

Bệnh chân tay miệng do vi rút đường ruột gây ra, bệnh này lây từ người sang người. Hai nhóm tác nhân gây bệnh đó là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh chân tay miệng thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV 71 gây ra

Trước tình hình đó, Trường Mầm non thị trấn tạm dừng việc dạy học hè cho trẻ. Hiện nay, 4 bệnh nhân nghi mắc bệnh chân tay miệng đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để theo dõi, điều trị.

Bà Nguyễn Thị Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường cho biết: Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy để phòng chống bệnh chân tay miệng, nhân dân trong huyện cần thường xuyên dọn vệ sinh nhà ở, khu vực sinh sống, ăn chín uống sôi... Đặc biệt các bậc phụ huynh có con nhỏ cần thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy nhất là trước và sau khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh và mỗi lần thay tã cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm vius, khử trùng bằng Cloramin B.

Đối với các trường học cũng cần khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để kịp thời xử lý, khống chế bệnh.

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...