Chủ nhật, 01/12/2024, 07:18 [GMT+7]

Thăm xã du kích Tả Ngảo

Thứ năm, 03/09/2020 - 09:11'
Xã Tả Ngảo là cửa ngõ quan trọng để tới được trung tâm huyện Sìn Hồ. Nằm trong khu vực này có xã Làng Mô và Sà Dề Phìn - nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhận thấy tầm quan trọng của khu vực, thực dân Pháp đã lập đồn tại đây nhằm kiểm soát cả cao nguyên này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã Tả Ngảo đã lập đội du kích chiến đấu bám bản, giữ đất, lan tỏa phong trào cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp, góp phần vào giải phóng tỉnh Lai Châu năm 1952.

Từ những năm 1950, phong trào cách mạng ở huyện Sìn Hồ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Người dân xã Tả Ngảo đã thành lập đội du kích, đánh giặc bằng dao găm, cung nỏ và súng kíp. Góp phần tiêu hao sinh lực địch, kiểm soát được một số khu vực quan trọng trên tuyến Tỉnh lộ 128, tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Sìn Hồ ngày 19/12/1953.
Ông Vừ A Chư - người Đội trưởng quân du kích năm ấy nay đã 83 tuổi, ông vẫn nhớ rõ từng người, từng việc diễn ra trong những năm tháng chiến đấu của mình. Ngày cùng dân bản lập đội quân du kích ông mới 17 tuổi, ngoài việc ông là người duy nhất biết chữ lại dũng cảm mưu trí, nên được bầu làm chỉ huy đội du kích có hơn 60 người, phần lớn là thanh niên cùng trang lứa với ông, tất cả đều mạnh mẽ và căm thù quân giặc. “17 tuổi nói về lý tưởng thì to lớn quá, biết chiến tranh là khổ, làm cách mạng là phải hy sinh nhưng không mường tượng được chiến tranh lại khốc liệt đến thế” và ông đã khóc khi nhớ về những đồng đội của mình đã hy sinh trong đội quân du kích.
Sìn Hồ được giải phóng nhưng đội quân du kích xã Tả Ngảo, với lớp thanh niên sau này lại lần lượt từng người khoác súng ra chiến trường từ Điện Biên Phủ đến đường 9 nam Lào, Khe Sanh, Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, góp sức thống nhất đất nước, nhiều người đã hy sinh. Những người may mắn trở về thì vẫn chưa thể hưởng trọn vẹn hòa bình vì vẫn còn nhiệm vụ “trừ gian, tiễu phỉ” và còn cả cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, khốc liệt với nhiều hy sinh. Cùng đất nước trải qua những chặng đường lịch sử, đội quân du kích xã Tả Ngảo năm đó giờ còn 5 người, họ là những nhân chứng sống cho phong trào cách mạng trên đất Sìn Hồ.

Ông Vừ A Chư - Đội trưởng Đội du kích xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) xúc động khi nhớ về quãng thời gian cả xã tham gia chống thực dân Pháp.

Anh Sùng A Binh - Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo, là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này chia sẻ: “Thời ông nội và bố tôi làm cách mạng gian khổ lắm, họ tự rèn dao, rèn súng bám bản giữ đất. Cũng vì một tâm niệm thuần khiết, nhà cửa ruộng nương, đất của bố mẹ, mồ mả ông bà ở đây cả nên phải giữ lấy”.
Truyền thống cách mạng, lòng quả cảm, tình yêu quê hương được người dân xã Tả Ngảo hun đúc, truyền thừa qua nhiều thế hệ. Để ngày hôm nay họ lại được tự hào vì đã làm đúng lời dạy của Bác Hồ “Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều”.
Đất nước thống nhất, chiến tranh đã lùi xa, xã Tả Ngảo cùng các xã khác trong huyện, người dân chung tay làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy điều kiện của xã vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống cách mạng vốn có, người già làm gương giáo dục người trẻ, nên trên địa bàn xã Tả Ngảo người dân đồng lòng, chịu khó, không tin, nghe theo kẻ xấu. Niềm tin theo Đảng được giữ vững tạo tiền đề cho các bước phát triển của xã.
Với điều kiện tự nhiên phức tạp, xã Tả Ngảo hiện có 13 bản (7 bản vùng thấp và 6 bản vùng cao) với 843 hộ, 4.766 nhân khẩu. Những năm qua, xã được Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các chương trình dự án như: chương trình 135/CP, 30a/CP, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phân bón các loại, giống lúa, máy cầy bừa cho người dân; xây dựng tuyến kênh mương, phát triển các loại cây công nghiệp, dược liệu, giúp các hộ nghèo trên địa bàn vay vốn, đầu tư vào sản xuất phát triển kinh tế. Tất cả những điều đó đã góp phần đưa xã Tả Ngảo thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần ở mức 5%. Bình quân lương thực của xã đạt 600kg/người/năm, thu nhập của người dân trong xã đạt hơn 15 triệu đồng/người/năm.
Để xã Tả Ngảo có được diện mạo như hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Tả Ngảo đã phát huy truyền thống cách mạng, cần cù lao động sản xuất xây dựng để xã phát triển. Đặc biệt là hơn 45 năm đất nước thống nhất, những chiến sỹ du kích năm xưa giờ đây là trưởng bản, người già có uy tín trong xã. Họ đã và đang góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương. Là chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...