Than Uyên: Phát huy nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Để tạo sự thống nhất từ ý chí tới hành động, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, trong thời gian qua, huyện Than Uyên đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền. Qua đó, giúp các cấp, ngành hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời phát huy sức mạnh của bà con trong xây dựng nông thôn mới.
Riêng từ năm 2021 tới nay, đã vận động hơn 200 hộ dân tham gia hiến đất, huy động gần 4,5 nghìn ngày công lao động tại các địa phương trong toàn huyện chung tay xây dựng nông thôn mới. Vật chất và ngày công do bà con đóng góp quy đổi thành tiền được gần 700 triệu động. Những đóng góp thiết thực là nguồn lực quý, khẳng định sự đồng thuận, vai trò chủ thể của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã chú trọng phát triển xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và xác định đây là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn. Qua đó, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Đến nay, tổng kinh phí huy động: 25.943,75 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương: 970 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 6.700 triệu đồng, vốn lồng ghép các chương trình: 17.601 triệu đồng.
Nhờ đó, đường giao thông liên xã, liên thôn bản, nội đồng được đầu tư, làm mới, tạo điều kiện thuận lợi giao thương, mở rộng vùng sản xuất. Trong năm đã cứng hóa thêm được 4,51km đường giao thông nông thôn các loại, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 699,56/895,24km, đạt 78,14%.
Cùng với phát triển mạng lưới giao thông, thời gian qua, huyện tập trung đầu tư làm mới, sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương. Nhờ đó, đảm bảo nước tưới tiêu cho hơn 5.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, các xã trong toàn huyện có hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và phòng chống thiên tai. Điều kiện canh tác đảm bảo, giúp các địa phương phát huy thế mạnh, đánh thức tiềm năng, đẩy mạnh sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Cùng với đó, chủ động các giải pháp để thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, huyện Than Uyên tiếp tục thực hiện các đề án chè, quế, mắc ca, sơn tra, phát triển rừng bền vững... Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người các xã trên địa bàn huyện tính đến nay ước đạt 36,35 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tạo nền tảng vững chắc để Than Uyên nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đoàn viên thanh niên xã Hua Nà (huyện Than Uyên) chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Than Uyên cũng chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, đây cũng là nội dung của tiêu chí 16 trong bộ tiêu chí. Bám sát sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành của đoàn thể các cấp, các địa phương đã đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, triển khai xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Trao đổi với bà Lìm Thị Suốt - bản Cang Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) chúng tôi được biết, tại địa phương đang có nhiều hoạt động giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, kết hợp làm homestay đang trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng đang có sức hút với du khách.
Hạ tầng được đầu tư, kinh tế khu vực nông thôn có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần, chất giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao, cùng với đó, vệ sinh môi trường, khu vực nông thôn đã được quan tâm hơn so với trước đây. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể thông qua ngày chủ nhật xanh, thứ 7 tình nguyện của đoàn viên thanh niên và phong trào 5 không, 3 sạch của Hội Liên hiệp phụ nữ. Qua đó, môi trường sống khu vực nông thôn ngày càng đảm bảo.
Với những nỗ lực trong quá trình thực hiện, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 xã đạt 10 – 14 tiêu chí. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng vững chắc và động lực để Than Uyên tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Bùi Chiến
Bình luận